Dùng một thớt thái cả thịt sống và thịt chín
Nhiều bà nội trợ mắc phải sai lầm phổ biến này khi chế biến thịt và rau củ. Họ cho rằng thớt thái thịt sống xong chỉ cần rửa sạch là có thể thái rau hoặc đồ ăn chín. Nhưng trên thực tế, đây là một sai lầm tai hại do thịt sống luôn chứa vi khuẩn và ký sinh trùng, chỉ qua quá trình nấu chín thịt, những loại vi khuẩn gây hại này mới bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nếu đặt miếng thịt sống lên thớt thì vi khuẩn sẽ bám vào bề mặt thớt và dù rửa bằng nước rửa bát rồi để khô ráo cũng không thể làm sạch hoàn toàn. Chính vì vậy, khi dùng thớt này để thái thịt và đồ ăn chín sẽ làm đồ ăn sạch bị nhiễm khuẩn, ăn vào dễ sinh bệnh tật.
Nấu chín quá mức
Khi nấu nướng, nhiều người thích thịt chín mềm nên để lửa trong thời gian rất lâu, nhất là khi hầm xương, kho cá. Những món ăn này nấu càng mềm càng ngon nên không ít người nấu cho đến khi xương cũng mềm mới tắt bếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở nhiệt độ 200 – 300 độ C, creatinin, a-xít amin, đường và các hợp chất vô hại có thể phản ứng hóa học, hình thành các a-xít amino aromatic. Trong a-xít amino aromatic có 12 loại hợp chất hóa học, trong đó có 9 loại có khả năng gây ung thư.
Theo thống kê, nguyên nhân ung thư do ăn uống thiếu khoa học chiếm đến 35%. Do vậy, bạn cần hết sức cẩn thận trong quá trình chế biến, không nên nấu thịt quá lâu, quá chín. Khi đun thịt mà thấy lớp bọt đầu tiên tiết ra thì nên vớt bỏ đi để giảm thiểu tác hại của a-xít amino aromatic.
Rán thịt cháy cạnh
Thịt rán có lẽ là món ăn hợp khẩu vị của mọi lứa tuổi do mùi vị thơm ngon, nhất là khi được tẩm ướp với các gia vị phù hợp. Tuu nhiên, thói quen rán thịt cháy cạnh của nhiều người đã biến món ăn này thành món ăn có hại cho sức khỏe. Nguyên nhân là do dầu ăn khi bị đun nóng để rán kỹ thì sẽ diễn ra các thay đổi hóa học, làm các chất chống ôxy hóa như vitamin E bị hủy hoại, các axit béo thiết yếu bị ôxy hóa và hình thành các gốc tự do gây tổn thương tế bào.
Thịt rán quá kỹ còn tạo nên các axit béo chuỗi trans, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đồng thời biến protein trong thịt gà thành acrolein, một chất gây ung thư.
Theo thống kê của các nhà khoa học, người ăn nhiều thịt nướng, rán kỹ có nguy cơ bị u ác tính cao hơn 70% những người ít ăn. Chính vì vậy, nếu bạn quá “bồ kết” món thịt rán, hãy tập thói quen tắt lửa hoặc giảm nhiệt ngay khi món ăn chín tới.
Dùng nước mắm “ba vạ”
Đa phần mọi người đều không biết rõ nguyên tắc sử dụng nước mắm đúng. Nhiều bà nội trợ thường ướp thịt bằng nước mắm, làm cho thịt bị cứng hơn so với khi ướp bằng bột canh, muối, đường. Ngoài ra, thói quen nấu thức ăn có nước mắm quá lâu khiến vitamin trong nước mắm bốc hơi hết, mùi vị thơm ngon của nước mắm cũng giảm theo.
Một số bà mẹ nuôi con dưới 1 tuổi sử dụng nước mắm để nêm nếm đồ ăn dặm cho con mà không biết rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn nước mắm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, độ mặn trong nước mắm không tốt cho thận còn non nớt của trẻ. Ngay cả những loại gia vị như mỳ chính, hạt nêm cũng không nên cho vào đồ ăn của trẻ.
Rã đông thịt sai cách
Thực phẩm để trong ngăn đá tủ lạnh khi bỏ ra sẽ phải rã đông trước khi nấu. Tuy nhiên, bạn có biết rằng rã đông thịt ở nhiệt độ phòng hay nước nóng đều không tốt? Khi để ở nhiệt độ thường để rã đông tự nhiên, thịt sẽ dễ bị nhiễm khuẩn do “vùng nguy hiểm” hay còn gọi là nhiệt độ thích hợp nhất để vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn là từ 4 đến 60 độ C. Trong khi đó, dùng nước nóng cũng không an toàn hơn do thịt đông lạnh gặp nước nóng cũng có xu hướng dịch chuyển xuống “vùng nguy hiểm”
Cách tốt nhất khi rã đông là cho nguyên túi/hộp thịt vào nồi nước mát. Cứ 30 phút thì thay nước một lần. Cách rã đông này nhanh hơn để trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy mất khoảng 1 tiếng đối với 4-5 lạng thịt, không nhanh bằng rã đông với nước nóng nhưng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Nguồn: Theo Emdep/ Công luận
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.