Những thông tin ai cũng cần biết để chủ động đối phó với Zika

Những thông tin ai cũng cần biết về Zika

Hoang mang vì thông tin Việt Nam có 2 ca nhiễm Zika đầu tiên

Thông tin 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika ở Việt Nam vừa được Bộ Y tế công bố vào sáng nay, 5/4. Bệnh nhân đầu tiên là nữ, 64 tuổi, trú tại Nha Trang, Khánh Hòa. Bệnh nhân thứ hai là một phụ nữ 33 tuổi, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh. Hiện cả hai bệnh nhân này đã ổn định về sức khỏe. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, 2 trường hợp nhiễm Zika ở Việt Nam đều là do muỗi truyền.

Trước thông tin này, dư luận đang vô cùng hoang mang, lo sợ sẽ có thể có nhiều ca bệnh hơn trong thời gian tới. Nhất là khi có khả năng Zika lây lan ở Khánh Hòa và Tp.HCM – nơi phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên.

Trước đó, bệnh Zika đã diễn biến phức tạp tại 60 quốc gia trên toàn cầu từ cuối năm 2015 cho đến nay, với tốc độ lây lan khá nhanh chóng trên toàn cầu. Và tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm có biểu hiện tương tự virus tại 32 tỉnh thành.

Tuy nhiên, để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng và biết cách bảo vệ bản thân, gia đình, bạn nên nắm rõ những thông tin cơ bản cần thiết để đối phó với loại virus này.

Những thông tin ai cũng cần biết về Zika
Nhiều người hoang mang, sợ hãi khi biết thông tin Việt Nam có người nhiễm Zika.

Nghi bị nhiễm Zika, xét nghiệm ở đâu?

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Khánh Hòa và Tp.HCM tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch theo quy định đồng thời chỉ đạo lấy mẫu các bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ ngay tại các phòng khám chứ không cần vào bệnh viện.

Vì vậy, khi nghi ngờ nhiễm virus Zika, người dân có thể đến khám ở bất cứ cơ sở y tế nào. Những đối tượng có khả năng bị nhiễm Zika sẽ được lấy mẫu để gửi tới các viện Pasteur để xét nghiệm. Đặc biệt, bệnh nhân có biểu hiện của sốt xuất huyết nhưng xét nghiệm lại âm tính thì cần nghĩ ngay tới nhiễm virus Zika.

Những thông tin ai cũng cần biết để chủ động đối phó với Zika
Ảnh minh họa.

Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Tp.HCM. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM.

2 phương pháp giúp chẩn đoán nhiễm Zika là chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử. Trong đó, phương pháp chính xác hơn là chẩn đoán phân tử, còn chẩn đoán huyết thanh có thể dẫn tới sai số.

Triệu chứng khi bị nhiễm Zika

80% triệu chứng nhiễm virus Zika không điển hình, với các dấu hiệu gần giống như sốt xuất huyết. Tuy nhiên, khi thấy các triệu chứng sau, bạn nên nghĩ ngay đến Zika trong thời điểm này:

– Sốt nhẹ, mệt mỏi, kèm theo việc mọc ban rát sẩn trên da.

– Đau cơ, nhức đầu, đau các khớp nhỏ ở bàn chân, bàn tay.

– Xung huyết kết mạc, đau hố mắt, suy nhược.

– Một số ít người nhiễm Zika có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc.

Phụ nữ mang thai cần làm gì để bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika?

Những người lo lắng nhất về thông tin Việt Nam có người nhiễm Zika chính là phụ nữ mang thai. Bởi Zika được cho là nguyên nhân dẫn tới chứng teo não ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, để không bị nhiễm loại virus nguy hiểm này, phụ nữ mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh:

– Sử dụng các loại thuốc chống muỗi, xua muỗi để bôi lên quần áo hoặc xoa lên vùng da hở.

– Mặc quần áo dài để che phủ các phần cơ thể, tránh muỗi đốt.

– Sử dụng màng chắn muỗi để ngăn muỗi bay từ ngoài vào trong nhà.

– Luôn ngủ trong màn, kể cả ngủ trưa.

– Loại bỏ các điều kiện sinh sôi, phát triển của muỗi bằng cách lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết. Đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Dương Thùy

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.