Những thú vui “kinh dị” của con người thời xưa

Những thú vui

Có biết bao thú tiêu khiển tàn bạo đã ra đời để thỏa mãn nhu cầu giải trí và tính hiếu kỳ của con người.

Bạn có biết người xưa thường làm gì trong thời gian rảnh rỗi của họ, lúc mà Internet còn chưa xuất hiện? Chắc bạn sẽ nghĩ ngay đến những việc như uống trà ngắm cảnh, dắt chó đi dạo trong công viên hay quây quần bên gia đình…

Thực sự, ở những thế kỷ trước, rất nhiều trò tiêu khiển “hay ho” hơn đã ra đời, nhưng kèm theo đó lại là sự tàn ác của con người để chúng thêm phần hấp dẫn.

1. Trêu gấu

Hàng trăm năm trước, vào thời kỳ Phục hưng ở nước Anh, người ta không thích đến sở thú. Việc chỉ được ngắm nhìn các con vật hung dữ trong chuồng thôi không đủ đễ thỏa mãn tính hiếu kỳ của người dân nơi đây. Họ muốn tận mắt chứng kiến cách chúng cấu xé con mồi trong môi trường tự nhiên như thế nào.

Thế là trò trêu gấu đã được tổ chức tại các “vườn gấu”. Ở đó, người ta thả chó săn ra để chúng tấn công những con gấu bị xích lại. Khán giả đến xem sẽ cùng nhau reo hò, cổ vũ cho cảnh tượng đẫm máu này.


Vô nhân đạo là thế, nhưng đây lại là thú vui dành cho mọi tầng lớp trong xã hội nước Anh lúc bấy giờ.

Khi gấu đã chết hết, bò sẽ được thay thế. Còn lúc đã chán chê, họ sáng tạo thêm bằng cách cột khỉ vào lưng ngựa con để chó bay vào cắn xé cả hai sinh vật vô tội.

Vô nhân đạo là thế, nhưng đây lại là thú vui dành cho mọi tầng lớp trong xã hội nước Anh lúc bấy giờ, từ những gã ăn mày cho đến các nhà quý tộc cao sang.

Chính phủ Anh thì cho rằng đây là trò tiêu khiển thích hợp để giải khuây cho “những con người yêu hòa bình”. Họ còn ra sắc lệnh đóng cửa các rạp hát vào thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần để người dân đi xem trêu gấu nhiều hơn.

Sau nhiều năm bị trì hoãn, cuối cùng lệnh cấm trò chơi tàn ác này cũng được Nghị viện Anh ban hành vào năm 1835.

2. Đổi chó, mèo để đi xem xiếc

Lại một thú vui nữa có nguồn gốc từ London, Anh Quốc: trả tiền vé vào xem thú lạ bằng chó mèo.

Vào thế kỷ 17, các gia đình hoàng tộc ở đây thường sưu tầm thú lạ để dâng lên lấy lòng quốc vương. Vì vậy chỉ sau nhiều năm lên ngôi, các quốc vương đã sở hữu được một bộ sưu tập thú lạ đồ sộ, không thua kém gì các vườn thú thời hiện đại.


Voi, khỉ và thậm chí cả sư tử đều được thả đi lang thang khắp sân vườn.

Khi quốc vương đi vắng, những con thú này sẽ được đem ra trưng bày để thiên hạ khắp nơi đến chiêm ngưỡng. Voi, khỉ và thậm chí cả sư tử đều được thả đi lang thang khắp sân vườn. Người đến tham quan sẽ được… chơi đùa với chúng thoải mái.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền mua vé vào xem. Vì vậy, quản lý một vườn thú kiểu này ở Tháp London đã đưa ra quy định rằng khách tham quan có thể trả tiền vé bằng một con chó hay mèo. Những con vật cưng này sẽ trở thành thức ăn cho chính lũ thú lạ đang chạy nhảy bên trong.

Vì đã quen với việc được đãi thịt chó mèo, những con thú lạ thường xuyên gầm rú đòi ăn thêm ngay cả vào những ngày vườn thú hoàng gia đóng cửa.

3. Tour tham quan… trại tâm thần

Quay ngược thời gian trở về thế kỷ 18, bạn sẽ có cơ hội đến tham quan bệnh viện tâm thần Bedlam ở Anh và chứng kiến tận mắt cuộc sống vật vờ qua từng ngày của bệnh nhân nơi đây.

Bedlam mở cửa tự do cho dân chúng ra vào với mục đích ban đầu là để người nhà và bạn bè bệnh nhân tiện mang đến cho họ thức ăn hay các đồ dùng thiết yếu.


Bệnh viện vô tình biến thành trung tâm giải trí cho những kẻ tò mò.

Tuy nhiên, có người cho rằng đây chỉ là chiêu trò của các quản đốc. Bởi họ luôn tích cực mời những người thuộc các gia đình danh giá đến tham quan, với hy vọng ngân quỹ bệnh viện sẽ được tấm lòng hảo tâm đóng góp.

Bệnh viện còn vô tình biến thành trung tâm giải trí cho những kẻ tò mò đến từ khắp mọi nơi.

Người đến tham quan để chỉ trỏ, cười cợt hay chọc ghẹo bệnh nhân còn nhiều hơn số người thân của họ đến thăm. Thậm chí, Bedlam còn nằm trong danh sách các điểm đến của các tour du lịch xuyên London.

Cho đến năm 1770, những ai muốn vào thăm buộc phải có thẻ thông hành do chính quản đốc cấp. Tình trạng ngược đãi bệnh nhân từ đó bắt đầu tái diễn.

4. Tra tấn… bọ chét

So với loài bọ chét ở nước Anh đầu thế kỷ 19, những con vật trong các đoàn xiếc ngày nay còn may mắn hơn rất nhiều lần.

Lúc bấy giờ, áp phích quảng cáo cho các rạp xiếc bọ chét bắt đầu được dán ở khắp nơi. Chủ các rạp xiếc này hứa hẹn sẽ cho khán giả thưởng thức những màn chạy đua, đi thăng bằng trên dây hay đấu kiếm điêu luyện của bọ chét. Thực chất, đây chỉ là hành vi hành hạ động vật để mua vui không hơn không kém.


Một mẩu quảng cáo xiếc bọ chét.

Những con bọ chét bị bắt có khả năng đi lại tốt sẽ phải đeo một sợi dây kim loại quanh cổ. Sợi dây này được gắn với các đạo cụ tí hon. Khi di chuyển, bọ chét sẽ vô tình sử dụng sức chân của mình để kéo các đạo cụ này theo.

Vòng sắt phía dưới chúng thỉnh thoảng còn được làm nóng lên, làm cho chúng chạy toán loạn và kéo nhanh hơn.

Đến cuối thế kỷ 20, con người bắt đầu nhận ra mình đã cười đùa trên những cơn đau quằn quại của bao sinh vật nhỏ bé bấy lâu nay và những rạp xiếc kiểu này dần dần biến mất.

5. Chơi golf cùng… gấu

Ban đầu, golf là môn thể thao được cho là chỉ dành cho phái mạnh. Sau này, mini golf được thiết kế dành riêng cho phái nữ ra đời, nhưng lại trở thành một môn thể thao gây tai tiếng.

Vào thập niên 1930, khi nước Mỹ bắt đầu bước vào thời kỳ Đại khủng hoảng cũng là lúc golf trở thành thú vui thời thượng của các tầng lớp giàu có và nổi tiếng.


Mini golf được thiết kế dành cho phái nữ ra đời, nhưng lại trở thành một môn thể thao gây tai tiếng.

Các chướng ngại trên sân golf như hố cát, túp lều nhỏ, hồ hay ao… bắt đầu được xây dựng để trò chơi thêm phần thú vị.

Câu chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi chủ sân gofl Bearl Sprott đến từ California nảy ra ý tưởng dùng gấu làm chướng ngại vật cho mini golf.

Cụ thể, một chú gấu con sẽ bị bỏ vô một chiếc lồng. Người chơi phải nhúng quả bóng golf vào mật ong hay sirô rồi sau đó đánh nó xuyên qua lồng gấu. Nếu gấu bắt được bóng hay bóng… đập trúng gấu, người chơi thất bại.

Về sau, những chú gấu tội nghiệp mới được thả ra ngoài và chơi đùa tự do trên sân cỏ.

 

Theo Trí Thức Trẻ