Thực phẩm nên ăn nhiều ngày Tết
Rau xanh
Các món ăn ngày Tết thường tràn ngập thịt thà, rượu bia, vừa gây ngán, vừa không tốt cho sức khỏe. Để cân bằng cơ thể, bạn nên ăn thêm nhiều rau xanh. Các loại rau củ như: bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa chuột, bí, su hào, cà rốt… là nguồn chất xơ và vitamin rất quý. Các loại rau gia vị như rau mùi, rau thơm, hành, kinh giới… cũng rất giàu vitamin, chất khoáng và kháng sinh thực vật là hương liệu kích thích ăn ngon miệng.
Hoa quả
Vitamin C thiên nhiên trong hoa quả rất tốt đối với cơ thể đang bị “bội thực” bởi chất đạm trong dịp Tết. Các loại hoa quả nên được ưu tiên dùng trong dịp Tết là: chanh, bưởi, cam, quýt.
Thành phần vitamin C trong chanh tươi rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngày Tết, ăn nhiều đồ chiên, xào, đồ nóng nên dễ khiến bạn bị táo bón, đầy hơi, chướng bụng. Uống nước chanh hàng ngày sẽ giúp bạn “đánh bay” các triệu chứng trên. Đàn ông ngày Tết thường uống nhiều rượu bia nên hay bị say xỉn. Nước chanh pha muối có công dụng giải rượu rất tốt.
Bưởi cũng là loại quả mà bạn nên ăn thường xuyên trong dịp Tết vì trong quả bưởi có các loại chất như sắt, phốt pho, vitamin, caroten, giúp hỗ trợ tiêu hóa, chống đầy bụng và ngán ăn hiệu quả. Quả bưởi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin sẽ tăng cường độ ẩm cho làn da, chống khô da, ngăn chặn lão hóa, giúp chị em tự tin “khoe sắc” trong những ngày Tết. Bưởi còn có tác dụng chống tăng cân và đảo thải lượng cholesterol đáng kể. Dịp Tết bạn thường phải nạp vào cơ thể rất nhiều đồ ăn bổ béo nên bưởi sẽ rất có hiệu quả trong việc giảm cân, đẹp dáng mà không gây hại sức khỏe.
Thực phẩm không nên ăn nhiều ngày Tết
Măng khô
Măng khô rất được ưa chuộng để chế biến nhiều món ăn trong dịp Tết. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sử dụng măng khô nếu muốn có được sức khỏe tốt. Vì trong quá trình sấy khô để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng, người ta thường dùng lưu huỳnh. Chất này nếu vào cơ thể ở nồng độ cao, về lâu dài có thể gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng tim mạch, thị lực, sinh sản…
Miến
Miến là thực phẩm phổ biến, dùng nhiều trong cả ngày thường lẫn ngày Tết. Có rất nhiều loại miến như miến trắng trong, miến vàng, miến xám… Trong đó, người tiêu dùng thường mua miến có màu vàng ruộm hoặc hơi xám… Các bà nội trợ không biết rằng, để có được màu sắc bắt mắt trên, nhiều cơ sở sản xuất đã dùng bột sắt để nhuộm miến.
Bột sắt ở dạng tinh chế vẫn được dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, có một nhóm ôxit sắt được tinh chế ở mức độ rất thấp thì không được sử dụng làm bột màu thực phẩm. Bột sắt dùng để “nhuộm” miến có độ tinh khiết thấp, chứa nhiều kim loại độc như thủy ngân, chì và những tạp chất độc hại gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chì khi nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu làm tổn thương gan, thận… Thủy ngân gây ngộ độc, ảnh hưởng thần kinh…
Người thường xuyên tiếp xúc với bột sắt sẽ dễ bị viêm da, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận. Cơ thể hấp thụ một lượng lớn có thể gây ra ngộ độc cấp tính: đau bụng, co giật, nôn ói…
Do vậy, bạn không nên mua các loại miến màu vàng ruộm bóng đẹp bất thường để ăn vào dịp Tết. Trước khi chế biến, bạn nên rửa sạch miến qua nước sạch hoặc muối loãng nhằm loại bỏ bớt các loại hóa chất nhuộm, chất bảo quản độc hại.
Bóng bì
Đây cũng là một trong những thực phẩm thường xuyên được dùng trong ngày Tết để chế biến các món nấu, xào. Bóng bì được tạo ra bằng cách: bì lợn sống lọc sạch mỡ, luộc chín tới rồi cạo rửa, phơi nắng cho khô cứng, đưa vào lò nướng nhiệt độ cao để nổ thành bóng.
Các cơ quan chức năng từng bắt quả tang một số cơ sở ngâm hóa chất độc hại như oxy già, nước javen để ngâm tẩy trắng, tạo nở da lợn. Nếu ăn phải bóng bì lợn được tẩy trắng bằng hóa chất trong dịp Tết thì nguy cơ ngộc độc cao, lâu dài dễ dẫn đến ung thư.
Minh Minh
Xem thêm video: Lai rai ngày Tết với thịt lợn giả bò khô cực ngon