Không giống như các nước châu Á khi điện thoại di động được coi là món đồ thời trang thể hiện tính sành điệu của người sở hữu, người dân Úc xài điện thoại một cách thực dụng và chỉ coi đó là phương tiện hữu ích mà thôi.
-
1
Điện thoại:
Nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi thấy dân Úc vẫn xài những chiếc điện thoại “cổ lỗ sĩ” đã ra đời cách đây từ 5-6 năm. Thế nên, nếu như bạn đã có một chiếc điện thoại đang sử dụng tại Việt Nam, bạn có thể mang nó theo mà không cần thiết phải mua một chiếc mới. Nhưng nếu cần, bạn cũng có thể mua điện thoại ở bên này với giá cả tương đối rẻ, chất lượng lại đảm bảo với giá thấp nhất từ AUD 60-70.
Phần lớn các sinh viên tại Úc sử dụng mạng điện thoại di động của nhà cung cấp dịch vụ Optus. Một số khác lại sử dụng mạng đi động của Vodaphone. Với mạng điện thoại của Optus, bạn nên dùng loại dịch vụ trả trước bằng cách mua thẻ nạp tiền với nhiều mệnh giá khác nhau. Tùy vào mục đích sử dụng mà khách hàng có ba lựa chọn. Với “free calls”, khi nạp thẻ có mệnh giá thấp nhất AUD 30, bạn sẽ nhận thêm được 300 phút gọi miễn phí trong thời hạn 2 tháng, và sẽ hết hạn trong 6 tháng. Với “turbo charge”, khi nạp thẻ AUD 30 hoặc AUD 50, số tiền trong tài khoản sẽ tăng lên tương ứng AUD 120 hoặc AUD 300 với thời hạn một tháng. Còn với “new text 18 ¢ talk”, cứ mỗi tin nhắn hoặc 30 giây gọi, bạn chỉ phải trả 18 cent thay vì 37 cent như những cuộc gọi thông thường. Nhìn chung, giới sinh viên thường dùng loại “free calls”. Lần đầu hòa mạng, sim điện thoại sẽ được tặng không khi bạn mua thẻ 30 AUD. Hãy đọc hướng dẫn kích hoạt tài khoản sử dụng trong bộ “sim pack” và nhớ số hộ chiếu, địa chỉ nơi ở của mình để còn khai báo với tổng đài.
Với điện thoại công cộng hay điện thoại cố định, thay vì tính cước theo thời gian, nước Úc lại tính cước theo cuộc gọi. Bạn chỉ cần bỏ 50 cent vào trong điện thoại công cộng là có thể ‘buôn’ cả ngày với một máy thuê bao cố định khác với điều kiện phải cùng mã vùng. Còn nếu gọi tới một thuê bao di động, cước cuộc gọi sẽ tính như bình thường là khoảng 50 cent/30 giây. Nếu có nhu cầu gọi về Việt Nam thường xuyên, bạn nên mua một chiếc thẻ mệnh giá 10 AUD có thời lượng sử dụng từ 150-200 phút với thời hạn là ba tháng. Hãy đọc mặt sau của thẻ để biết cách sử dụng. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không gọi điện báo tin cho gia đình là bạn đã sang tới Úc an toàn. Chỉ cần bấm: +84 – mã vùng bỏ chữ số 0 ở đầu (đối với thuê bao cố định, còn với di động thì không cần bấm mã vùng) – số điện thoại cần gọi là bạn có thể liên lạc được với gia đình rồi.
(1 AUD = 100 cent tương đương với khoảng 13.000 VND)
-
2
Mở tài khoản ngân hàng
Có lẽ mở tài khoản gửi tiền cá nhân là một trong những việc nên làm ngay của sinh viên sau khi tới Úc. Tại Úc, mọi giao dịch từ đóng học phí, mua bảo hiểm, hay thanh toán hóa đơn phần lớn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Thế nên, việc mở tài khoản là tối cần thiết và cũng khá phổ biến với các sinh viên. Là một trong những nước có ngành tài chính-ngân hàng phát triển, Úc có rất nhiều ngân hàng khác nhau để bạn lựa chọn như: ANZ; Commonwealth hay St George… Tuy nhiên, với các du học sinh Việt Nam, Commonwealth bank là địa chỉ đáng tin cậy nhất có phí chuyển tiền thấp lại khá nhanh trong vòng 24 giờ. Hầu hết trong các trường đại học lớn ở Úc đều có đặt các chi nhánh và máy rút tiền tự động – ATM của Commonwealth bank để tạo thuận lợi cho các sinh viên rút và gửi tiền mặt.
Để mở một tài khoản ngân hàng, trước hết bạn phải xuất trình thẻ sinh viên (student card) và hộ chiếu cho nhân viên ngân hàng rồi điền vào mẫu đơn xin mở tài khoản. Là sinh viên, bạn sẽ được mở tài khoản “streamline” vì sẽ được nhiều ưu đãi từ phía ngân hàng như: không mất lệ phí duy trì tài khoản (5 AUD/tháng) và không mất phí rút tiền trong thời gian theo học tại Úc. Ngoài ra với streamline, bạn cũng sẽ không mất phí chuyển tiền cho một tài khoản khác cùng ngân hàng. Trong trường hợp bạn chưa kịp làm thẻ sinh viên, bạn có thể xuất trình thư mời nhập học (letter of offer) cho nhân viên ngân hàng nhưng bắt buộc phải có hộ chiếu.
Sau khi đăng ký mở tài khoản khoảng một tuần, bạn sẽ nhận được thẻ rút tiền (key card), mật khẩu tài khoản và thư thông báo kích hoạt tài khoản. Để cho tài khoản của bạn chính thức đi vào hoạt động, bạn phải tới ngân hàng hoặc có thể gọi theo số điện thoại ghi trong thư để kích hoạt. Với “key card” mỗi ngày bạn chỉ có thể giao dịch hoặc rút tiền tối đa 800 – 1000 AUD mà thôi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ “netbank” để kiểm tra và thực hiện chuyển khoản bằng Internet. Tuy nhiên, nên thường xuyên thay đổi mật khẩu và cài đặt các chương trình diệt virut trên máy vi tính để giảm nguy cơ bị ăn cắp mật khẩu. Trong trường hợp bị mất thẻ, hay lộ mật khẩu, nên báo lại cho ngân hàng ngay để họ tạm thời ngừng hoạt động của tài khoản.
-
3
Phương tiện giao thông cho các sinh viên du học
Nhìn chung tại Úc, xe bus và tàu là phương tiện phổ biến nhất cho mọi học sinh, sinh viên. Việc có đi bus và tàu hay không thì phải căn cứ vào việc bạn sẽ chọn thuê nhà ở đâu. Phần lớn các sinh viên Úc sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng vì được giảm giá. Điều này cũng được áp dụng đối với các du học sinh đi theo diện học bổng của chính phủ Úc. Số còn lại là phụ thuộc vào chính sách ưu đãi của từng trường đại học. Tuy nhiên chính sách này cũng thay đổi tùy vào từng tiểu bang.
Ở bang Queensland, bạn chỉ phải trả 50% tiền vé thông thường (dành cho học sinh, sinh viên học full-time). Nhưng nếu mua vé tuần hoặc vé tháng, giá vé còn rẻ hơn nữa. Với những sinh viên phải đi tàu và xe bus tới trường học, cách tiết kiệm tốt nhất nên mua vé tuần (hoặc tháng) dùng chung cho cả hai loại phương tiện này. Tại Brisbane, vé được dùng để đi chung cho ba loại phương tiện: tàu, xe bus và phà.
Cũng nên lưu ý là việc đi tàu hay đi xe bus tại Úc cũng đều phải tuân thủ một số những quy định chung. Hãy nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ em trong trường hợp họ không có chỗ ngồi. Trên tàu và xe bus đều có những bảng chỉ dẫn những ghế ngồi ưu tiên. Việc để chân lên ghế ngồi có thể bị phạt 100 AUD. Nếu bạn có ý định trốn vé, bạn có thể bị phạt từ 200-550 AUD. Còn việc hút thuốc và uống rượu trên tàu có thể bị phạt từ 400-1.100 AUD. Những trường hợp khác có thể bị phạt lên tới 5.500 AUD. Đối với xe bus, mức phạt cũng tương tự như vậy nhưng thấp hơn. Những ai cố tình trốn vé mà bị bắt sẽ bị phạt 100 AUD. Hút thuốc, uống rượu hoặc có hành vi gây rối sẽ bị phạt từ 200-550 AUD.
Một số trường đại học có những tuyến xe bus tốc hành dành riêng cho sinh viên. Ví dụ tại Đại học New South Wales, xe bus tốc hành có số là 891 và 892 chạy thẳng từ trung tâm thành phố tới tận cổng trường. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại website của mỗi trường đại học, hoặc của các đơn vị vận tải của mỗi tiểu bang để biết thêm chi tiết các bạn có thể tham khảo các tại trang Translink để tuyến xe bus và tàu ở bang Queensland: www.translink.com.au
-
4
Cần thích nghi với môi trường văn hóa mới.
Việc làm quen với nếp sống của người Úc là một trong những cách giúp bạn giảm thiểu những tác động tiêu cực về văn hóa. Người Úc khi gặp nhau sẽ chào nhau bằng một từ rất ngắn gọn nhưng thân mật là “Hi!” (Xin chào) hoặc “How are you doing?” (Thế nào rồi?). Người Úc cũng luôn dùng từ “thank you” để đáp lại những cử chỉ lịch thiệp mà bạn dành cho họ, như đơn giản là nhường bước cho họ khi đi qua một cánh cửa. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc cư xử không đúng, họ sẵn sàng xin lỗi ngay. Thế nên, là một tân sinh viên, bạn cũng nên học theo những cách xử sự như vậy.
Tại Úc, việc mua đồ ăn, vé tàu hoặc đón xe bus đôi khi phải đứng xếp hàng để chờ tới lượt mình. Sẽ là thô bạo và khiếm nhã nếu bạn cố tình chen ngang hoặc xô đẩy. Trong giao tiếp, người Úc ít khi nổi nóng và hành xử thô bạo. Những hành vi thiếu văn hóa, kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc tại những nơi công cộng đều bị cấm và phạt rất nặng.
Một điều khá quan trọng là bạn nên tuân thủ đúng luật pháp của nước Úc. Việc điều khiển phương tiện giao thông, mua thẻ bảo hiểm y tế hay việc nộp phạt cũng cần phải tuân thủ theo đúng luật định. Trong một số trường hợp, bạn có thể bị hủy visa sinh viên và thậm chí không có cơ hội được quay lại nước Úc lần thứ hai. Trong giới sinh viên Việt Nam tại Sydney, ai cũng biết chuyện của Th.,vốn sang Úc học tiếng Anh tự túc. Nhưng do một lần đậu xe không đúng quy định đã bị phạt tiền. Cho rằng mình sắp về Việt Nam nên Th cố tình không đóng tiền phạt. Hai năm sau, khi cầm quyết định trúng tuyển học bổng chính phủ Úc đi làm thủ tục, Th đã bị từ chối cấp visa vì đã từng vi phạm luật pháp Úc. Câu chuyện của Th có thể khiến cho nhiều người rút ra bài học cho chính mình.