Mỗi người đều phải có hành vi đúng với việc sử dụng nước hằng ngày, mới mong cứu được mình.
Đó là lời cảnh báo khẩn cấp của nhiều công trình nghiên cứu về chủ đề bảo vệ nguồn nước; trong đó có những báo cáo trình bày ở một hội thảo diễn ra cuối năm 2009 vừa qua ở Hà Nội.
Tất cả sự sống trên Trái đất đều phụ thuộc vào nước…
Tất cả sự sống trên Trái đất đều phụ thuộc vào nước và vòng tuần hoàn nước. Nước có quyết định đến biến đổi khí hậu, và nguyên nhân tạo ra thời tiết. Nguồn nước cũng là nguyên nhân gây ra một trong những cuộc tranh chấp ở Trung Cận Đông.
“Khoảng 50% số bệnh nhân phải nhập viện trên thế giới do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước, hàng chục nghìn trẻ em chết mỗi ngày cũng vì nguyên nhân nước ô nhiễm” – báo cáo của Công ty nghiên cứu McGovern Capital, Mỹ.
“Nhu cầu nước uống của thế giới cứ 20 năm lại tăng gấp đôi, nhưng lượng nước trên hành tinh của chúng ta không hề tăng, mà ngày một giảm dần” – Kevin McGovern, Chủ tịch McGovern Capital nói.
Cụm từ thiếu nước dường như trở nên quá quen thuộc. Có thể vì quen mà chỉ hô khẩu hiệu? Việc này không phải của một cơ quan hữu trách hay của mấy nhà khoa học mà chính của mỗi con người.
Hạn hán chẳng những làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế mà có khi còn ảnh hưởng cả đến chính trị. Nhìn lại năm 2005 ở Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha để đối phó với hạn hán, đã ra chỉ thị cho các địa phương phải “sẻ nước, nhường cơm, nơi nhiều nước hơn, đùm bọc nơi thiếu nước”. Làm gì ra nhiều nước mà đùm bọc. Vậy là dẫn đến tranh chấp, xuống đường phản đối. Cũng năm 2005, tháng 9, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hạn hán, làm hơn 600.000ha hoa màu và 1, 4 triệu gia súc chịu ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, các nhà khoa học đưa ra một vài giải pháp, xin giới thiệu mong thực hiện nhằm bớt đi nỗi ám ảnh của loài người:
1. Trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng – phương pháp cổ điển, nhưng ngày nay con người đã tàn phá rừng. Rừng không những giữ nguồn nước mà ngăn lũ, tránh ô nhiễm nguồn nước.
2. Phát triển hệ thống lọc nước thải thành nước sạch. Trong đó tăng cường quan trắc, để sớm xử lý nước. Nhất là ngăn chặn kịp thời xả thải chưa qua xử lý.
3. Xây dựng khu lọc nước biển.
Phương pháp (1) là tốt hơn cả. (2) là biện pháp được đánh giá cao, vì đầu tư không tốn kém lắm, có thể áp dụng cho ở bất cứ địa điểm nào, nước nào. Nhưng phải nâng cao ý thức dân cư, nếu chưa quan tâm đúng mức, cứ xả thải nước đã qua sinh hoạt, sử dụng một cách vô tội vạ như hiện tại thì “nguyên liệu” cho các nhà máy xử lý này không đủ nước.
Phương pháp (3) chỉ áp dụng được cho những nước có miền duyên hải như Việt Nam, còn như Lào thì không thể.
Đất không đủ nước, đất có thể trở thành sa mạc. Có nước, không có rừng, nước đổ hết ra biển cả.
Cho dù phương pháp nào thì ý thức con người vẫn là quyết định, không có phương pháp nào cho chúng ta khai thác nguồn lợi thiên nhiên mà không phải trả lại, chúng ta phải nghĩ đến luật về rừng, khi khai thác các nguồn lợi thiên nhiên. Thiếu nước đáng báo động ở nhiều quốc gia trong đó có ta.
Theo VietNamNet