Ngày chồng đưa Chi về nhà ra mắt lần đầu, sau đôi ba câu chuyện giáo huấn bóng gió của mẹ anh, Chi đã dự cảm được rằng cưới anh, sống chung với mẹ chồng chắc chắn chẳng dễ dàng gì.
Nỗi sợ mơ hồ về phận làm dâu quẩn quanh trong lòng, sau Chi tự động viên mình, sống với chồng cả đời, sống với bố mẹ chồng nào có bao lâu. Anh cũng hứa hẹn với Chi khi nào ổn định kinh tế, vợ chồng nhất định mua đất dựng nhà ở riêng, tránh sống chung nảy sinh chuyện mẹ chồng nàng dâu phức tạp.
Đến khi về làm dâu trong nhà, dự cảm về mẹ chồng Chi trăn trở ngày nào đã vận vào thân. Nhưng đi làm dâu Chi cố gắng tâm niệm lời mẹ dạy, nhẫn nhịn, sống thuận hòa với gia đình chồng, dẫu chẳng thể hết lòng yêu thương cũng đừng để xảy ra tiếng chì tiếng bấc. Nhưng bỏ mặc những gì Chi cố gắng, mẹ chồng vẫn chỉ coi Chi như người dưng nước lã trong nhà.
|
|
Vì đặc thù công việc, nhiều hôm Chi phải về muộn, mẹ chồng không thông cảm lại đặt điều nói xấu Chi đàn đúm bạn bè chơi bời, đàn bà mà trắc nết bỏ bê gia đình, quên bổn phận dâu con trong nhà. Chi nấu ăn mẹ chồng đặt đũa chê lên chê xuống, không món này thì món khác, rồi thẳng thừng nói Chi “Ngữ đàn bà gì mà vụng tứ bề, mày làm dâu nhà này chứ làm dâu nhà khác khéo phải lót lá chuối vào tay trả về cho bố mẹ dạy lại”. Chi chỉ biết khóc, ngậm ngùi giữa bao đắng cay uất ức trong lòng.
Thi thoảng lấy lương, Chi mua tặng mẹ chồng vài món đồ như quần áo, túi xách… mong tình cảm mẹ con gần gũi hơn. Nhưng mẹ chồng cầm đồ Chi mua chỉ hỏi giá rồi thái độ ơ hờ chẳng rõ buồn hay vui. Nhưng hễ cô em chồng Chi mua gì cho bà, bà cũng vui mừng đem khoe khắp trong nhà ngoài ngõ chuyện trò rôm rả. Sau nhiều lần như thế, Chi chạnh lòng, tủi phận đã gửi vào món quà cả tấm chân tình sự quan tâm của phận dâu con nhưng mẹ chồng Chi nào có lòng đón nhận.
Mẹ chồng đã nghỉ hưu, rảnh rỗi thường đi chơi bài, buôn chuyện với bạn. Từ ngày có Chi về làm dâu, bà hiển nhiên sang tên mọi việc nhà cho Chi. Nhiều lúc Chi nghĩ mình đâu kém gì phận osin, sáng chiều bận rộn việc cơ quan tối về bề bộn xoay xở việc gia đình, mệt mà chẳng dám kêu than. Mà thật ra, có than với chồng, chồng động viên đôi ba câu rồi bỏ đấy, chẳng đủ làm lòng Chi yên an, nhẹ gánh bớt phần nào.
Cũng có lần nhìn Chi vất vả quá, chồng xót lăng xăng giúp Chi phơi quần áo, mẹ chồng nhìn thấy thở dài quay ngoắt vào trong. Hôm sau bà kéo Chi vào phòng mắng xa xả “Đàn ông từ trước tới nay không có lệ làm việc nhà, càng không có chuyện vợ sai chồng ở cái nhà này, cô định cưỡi lên đầu lên cổ chồng à.” Chi cố nhẫn nhịn, nuốt nước mắt vào trong, tự dặn lòng cố thêm thời gian nữa rồi sẽ ở riêng.
Chưa hết mẹ chồng còn không tiếc lời đơm đặt đi nói xấu Chi với họ hàng, làng xóm, chê Chi chẳng xứng với chồng, mẹ chồng coi con trai mẹ như vàng như ngọc, còn Chi như rơm rác không bằng.
Ngẫm cho cùng, mẹ chồng chê Chi cũng có khác gì mẹ chê con trai mẹ đâu. Chi giả điếc nghe mà như không để sống, bởi Chi hiểu với mẹ mình, Chi có trót hư dại, cự cãi bao lần Chi vẫn mãi là con mẹ, còn với mẹ chồng chỉ đôi lần to tiếng, tình cảm vốn lạt lẽo giờ có thể đứt gãy chẳng còn gì.
Đến lúc Chi sinh con mới cảm thấy nỗi tủi hờn trăm bề. Hai vợ chồng tự đèo nhau đi đẻ, vượt cạn qua ngày mới thấy mẹ chồng thong thả vào viện thăm con dâu và cháu. Đàn bà sau sinh yếu như cua lột vỏ, nhưng đêm nào Chi cũng thức trắng vò võ trông con, đuối sức, thèm lắm được ngủ.
Nhà chồng chật hẹp, mẹ chồng khó tính hay nói cạnh khóe bóng gió nên mẹ Chi dù đứt ruột thương con gái cũng chỉ ra ở được đôi ngày, Chi vội giục mẹ về vì không muốn mẹ nhìn cảnh con mà đau lòng…
|
. |
Chi sinh cháu, mẹ chồng vẫn giữ thói quen đi chơi bài như trước. Sáng đợi bố chồng, chồng Chi đi làm là bà xách túi đi. Bà cắm cơm với ít thịt rang, rồi đi miết tới chiều mặc hai mẹ con Chi tự xoay xở với nhau, ngày nào cũng vậy.
Ăn uống không đủ chất, thêm phần thiếu ngủ, mệt mỏi, chán nản sữa Chi cứ ít dần đi, mắt hay ri rỉ nước. Chi sợ rơi vào trạng thái trầm cảm của phụ nữ sau sinh, nên con chưa đầy tháng Chi đã nhất định thuyết phục chồng làm lễ thôi nôi cho con sớm để hai mẹ con về ngoại.
Ngày 2 mẹ con bồng bế nhau về ngoại, mẹ chồng không giữ cháu lại còn nghiệt ngã buông câu “Muốn đi thì cứ đi cho rộng nhà”. Chi bước đi thẳng mà không dám ngoái đầu lại, nước mắt cay đắng nối nhau rơi, phận làm dâu khổ sở vậy sao.
Chi sống đúng mực dâu con, nào có phải hỗn hào gì với mẹ chồng để phải chịu cảnh này. Nhà ngoại cách không xa nhưng mẹ chồng không lên thăm cháu, không hộp sữa, đồng quà, tấm bánh. Chi đau lòng nghĩ, ừ, thì mẹ chồng coi Chi là người dưng, nhưng con Chi dù gì cũng là máu mủ, ruột rà nhà chồng, chẳng lẽ mẹ chồng không xót không thương cháu sao.
Chi tưởng cái thời mẹ chồng sống cay nghiệt với con dâu đã qua đi lâu lắm rồi, chỉ còn gặp trong những câu chuyện kể ngày xưa. Chi và mẹ chồng cùng yêu thương một người đàn ông. Nhưng Chi yêu chồng nên cố gắng sống hòa thuận, hiếu thảo, tập thương mẹ chồng dù chẳng mấy dễ dàng gì. Ngược lại, mẹ chồng thương yêu con trai nhưng lại muốn đọa đầy con dâu sống lạc lõng, tủi phận trong nhà chồng, xót xa cho phận đàn bà làm dâu nhà người.
Nguồn: Theo nguoiduatin
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.