Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải quên sao Hỏa đi rồi, vì địa điểm này có nguồn năng lượng đủ để “cưu mang” hàng trăm triệu người.
Trong nhiều năm gần đây, sao Hỏa là một ứng cử viên rất giàu tiềm năng để trở thành mái nhà thứ 2 dành cho nhân loại, nhất là sau những phát hiện về dấu hiệu của sự sống, và đặc biệt là tồn tại nước dạng lỏng trên hành tinh Đỏ.
Nhưng càng đào sâu nghiên cứu, tiềm năng ấy càng trở nên mờ mịt, khi điều kiện sống trên sao Hỏa thực sự quá khắc nghiệt, kèm theo lớp độc chất bao phủ bề mặt có khả năng tiêu diệt gần như mọi dấu hiệu của sự sống.
Cũng vì vậy mà mới đây, một số chuyên gia cho rằng chúng ta nên chuyển hướng sang một địa điểm giàu tiềm năng hơn. Ứng cử viên lần này là Mặt trăng của sao Thổ – Titan.
Titan – Mặt trăng của sao Thổ.
Cụ thể thì theo Amanda Hendrix từ Viện Khoa học hành tinh (Arizona) và Yuk Yung từ Caltech (California), Titan trữ đủ năng lượng để trở thành một thuộc địa khổng lồ của loài người, với tiềm năng chứa đến 300 triệu dân.
“Titan – mặt trăng của sao Thổ là một địa điểm tối ưu để loài người di cư trong Hệ Mặt trời”, – Hendrix cho biết.
“Nơi đây có một bầu khí quyển chất lượng như Trái đất, và đủ dày để tạo thành một lá chắn ngăn được bức xạ từ Mặt trời”.
Trong bản báo cáo được công bố, nhóm chuyên gia chỉ ra khá nhiều nguồn cung năng lượng khác nhau trên Titan, bao gồm: năng lượng hạt nhân, hóa học, thủy nhiệt, gió, thậm chí cả năng lượng Mặt trời.
Ví dụ, việc đầu tiên khi đặt chân lên Titan là sử dụng các nguyên tố sẵn có tại đây (như plutonium đồng vị 238) để xây dựng một nhà máy năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Titan có trữ lượng khí methane khá khủng khiếp, có thể dùng như một nguồn năng lượng.
Bề mặt của vệ tinh này còn có nhiều biển và hồ chứa hydrocarbon dạng lỏng – tức là hoàn toàn biến được thành thuỷ điện.
Chưa kể, gió tại Titan có tốc độ khá lớn nếu đạt độ cao nhất định – lên tới 20m/s nếu đạt độ cao khoảng 40.000m. “Sử dụng các khinh khí cầu hoặc cối xay gió ở đây là hoàn toàn phù hợp, có thể thu thập được nguồn điện lên tới hàng trăm megawat” – Hendrix chia sẻ.
Bề mặt Titan có biển và hồ chứa hydrocarbon dạng lỏng rất trù phú.
Cuối cùng, một trong những nguồn năng lượng đáng chú ý nhất là năng lượng Mặt trời. Tuy rằng so với Trái đất, Titan có khoảng cách tới Mặt trời cao hơn gấp 10 lần, nhưng nếu công nghệ mới ra đời thì điều này hoàn toàn chẳng phải vấn đề.
Theo Yuk Yung, 10% diện tích bề mặt Titan nếu được bao phủ bởi các tấm pin Mặt trời là quá đủ để cung cấp năng lượng cho cả thuộc địa.
“Titan có rất nhiều nguồn để lấy năng lượng nhằm phục vụ cho các cuộc chinh phục của con người trong tương lai” – nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrobiology and Outreach.
Theo Trí Thức Trẻ