Núi lửa Sinabung lại phun trào dữ dội

0
103

Lúc 4g45 sáng sớm nay 3-9, núi lửa Sinabung trên đảo Sumatra của Indonesia lại phun với mức độ mạnh nhất trong vòng vài ngày qua. Các cột khói cao đến 3.000 mét làm rung chuyển những ngôi nhà và cây cối trên sườn núi, khiến dân làng hoảng hốt di tản đến vùng an toàn.

Đợt phun này thực sự rất mạnh”, anh Anto Sembiring 37 tuổi cho biết. Anh phải vứt bỏ cửa hàng cà phê của mình lại để chạy trốn cùng với hàng trăm người khác. “Mọi thứ quanh chúng tôi đều rung lên bần bật. Nhiều người dân trước đó còn không tin cảnh báo của nhà nước”.


Sáng nay 3-9, núi lửa Sinabung lại tiếp tục phun trào mạnh hơn.

Anh Surono, người phụ trách Trung tâm cảnh báo núi lửa của Indonesia, cho hay đây là đợt thứ ba và là đợt mạnh nhất. Rung chấn từ hoạt động phun trào này có thể cảm nhận từ cách xa 8km. Không khí bị bao phủ trong đám khói bụi đầy khí sulfur và người ta chỉ nhìn rõ mọi thứ trong vòng vài mét.

Núi Sinabung thức giấc trở lại lần đầu tiên sau 40 năm vào hôm 29-8 với cột khói cao khoảng 1.500 mét, lần hai vào hôm 30-8 với độ cao lớn hơn 2.000 mét và lần này 3-9 đã lên tới 3.000 mét.

Ít nhất 30.000 người dân đã phải sơ tán khỏi những triền núi màu mỡ của tỉnh Bắc Sumatra để sống trong các khu lều tạm. Nhưng sau đợt phun thứ hai, khi tình hình có vẻ yên ắng trở lại, người dân lại trở về nhà chăm sóc những đám rau màu bị tro bụi phủ kín, tiếp tục làm ăn bất chấp cảnh báo của các chuyên gia.

Đúng là ai cũng sợ phát khiếp và vắt chân lên cổ chạy”, anh Sembiring kể lại.

Indonesia là đất nước của núi lửa, với 129 miệng núi đang hoạt động bởi nằm trong “vành đai lửa” kéo dài từ bán cầu tây qua Nhật Bản và Đông Nam Á.

Năm 1815, núi lửa Tambora phun trào đã chôn vùi các cư dân của đảo Sumbawa trong tro bụi, khí độc và đá, giết chết 88.000 người.

Năm 1883, núi lửa Krakatoa phun mạnh đến nỗi tiếng nổ của nó có thể nghe thấy từ cách đó 3.200km và làm đen kịt bầu trời trong vài tháng. Ít nhất 36.000 dân đã chết trong đợt phun trào đó và cơn sóng thần tiếp sau.

 

Theo AP, Tuổi trẻ