Núi lửa lớn nhất vành ngoài hệ Mặt Trời

Núi lửa lớn nhất vành ngoài hệ Mặt Trời

Núi lửa rộng 150km trên Diêm Vương tinh có thể là ngọn núi lửa lớn nhất ở vành ngoài của hệ Mặt Trời.

vành trong hệ Mặt Trời, núi lửa lớn nhất theo các nhà khoa học ghi nhận là Olympus Mons trên sao Hỏa. Ngọn núi này rộng 624km và cao 25km. Tuy nhiên, nếu xem xét vành ngoài hệ Mặt Trời, vị trí này có thể thuộc về ngọn núi Wright Mons trên Diêm Vương tinh.

Theo IFL Science, Wright Mons là một cấu trúc băng khổng lồ bao quanh bởi vòng màu đỏ. Nó rộng 150km và cao 4km, mang những đặc trưng giống núi lửa, trong đó có phần miệng lõm sâu.

Núi lửa lớn nhất vành ngoài hệ Mặt Trời
Wright Mons nằm gần Sputnik Planum, một khu vực bằng phẳng rộng lớn. (Ảnh: NASA).

Hình ảnh về Wright Mons được tàu vũ trụ New Horizons ghi lại trong lần bay qua bề mặt Diêm Vương tinh vào ngày 14/7/2015.

Các đặc trưng của ngọn núi được chụp từ khoảng cách 48.000km với thiết bị kính viễn vọng Long Range Reconnaissance Imager (LORRI) ở trên tàu. Dữ liệu màu chụp ở độ cao 34.000km thông qua máy ảnh đa phổ Ralph/Multispectral Visible Imaging Camera (MVIC).

Điều khiến các nhà khoa học băn khoăn là có rất ít vật liệu màu đỏ (tholins) được tìm thấy trong khu vực. Ngoài ra, việc thiếu vắng những hố lõm cho thấy bề mặt ngọn núi lửa tương đối trẻ. Điều này có nghĩa nó đã thay đổi từ vài triệu năm trước, có thể do Wright Mons hoạt động vào cuối lịch sử của Diêm Vương tinh. Wright Mons có nhiều điểm tương đồng với núi lửa băng Piccard Mons cao 6km cũng nằm trên Diêm Vương tinh.

Jeff Moore, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Moffet Field, California, cho biết hiện nay các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về Wright Mons. Nếu núi lửa Wright Mons hoạt động trong thời gian gần đây, Diêm Vương tinh nhiều khả năng có nguồn nhiệt bên trong. Nguyên nhân hình thành Wright Mons có thể là sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố còn lại từ khi Diêm Vương tinh hình thành.

 

Theo VnExpress