Mực nước một số dòng sông quan trọng nhất trên hành tinh đã giảm đáng kể trong hơn 50 năm qua, theo một nghiên cứu quy mô lớn của các nhà khí tượng thủy văn tại Mỹ.
Mực nước của sông Mekong đang giảm dần. Ảnh: internationalrivers.org. |
Hiệp hội Khí tượng thủy văn Mỹ nghiên cứu sự biến động dòng chảy của 925 sông lớn trên thế giới và thu thập dữ liệu trong giai đoạn 1948-2004. Kết quả cho thấy, lượng nước đổ ra đại dương giảm là xu thế chung của phần lớn sông, từ sông Hoàng Hà (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Colorado (Mỹ), sông Nile (Ai Cập), sông Mekong (Đông Nam Á) cho tới sông Amazon (Nam Mỹ). Riêng mực nước sông Mississippi (Mỹ) giảm tới 22% trong giai đoạn nghiên cứu.
Do đó lượng nước các đại dương nhận từ các sông cũng giảm theo. Mức giảm trung bình hàng năm của Thái Bình Dương là 6%, tương đương 526 tỷ mét khối. Ấn Độ Dương mất 140 tỷ mét khối nước mỗi năm. Tuy nhiên lượng nước của Bắc Băng Dương lại tăng 10%, tương đương 460 tỷ mét khối.
Nguyên nhân chính khiến mực nước giảm là các hoạt động của con người, như việc xây dựng các đập ngăn nước và tưới tiêu đồng ruộng. Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân, bởi sự tăng nhiệt độ làm tăng tốc độ bốc hơi của nước và giảm lượng mưa hàng năm.
Nhiều sông lớn cung cấp nước ngọt cho hàng chục triệu người, như sông Dương Tử (Trung Quốc), sông Niger (Tây Phi). Tình trạng sụt giảm lượng nước ngọt cung cấp cho các sông xảy ra trong bối cảnh dân số thế giới đang tiếp tục tăng khiến các nhà khoa học lo ngại.
Tuy nhiên, mực nước của một số sông thuộc Bắc cực và những sông lấy nước từ dãy Himalaya – như sông Dương Tử (Trung Quốc) và Brahmaputra (Nam Á) – lại tăng lên. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng băng tan chảy là nguyên nhân khiến mực nước tăng. Trong tương lai, khi dãy Himalaya hết băng, mực nước của những sông lấy nước từ nó sẽ giảm mạnh.
Theo VnExpress (BBC)