Hiện tượng nước giếng tại nhà ông Lê Vản Bảo (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) tự dưng nóng lên bất thường ở nhiệt độ 60-70 độ C trong vòng một tháng qua khiến người dân hết sức quan tâm. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, như nước nóng bởi dưới lòng đất có thể có hoạt động của núi lửa, thậm chí cả yếu tố tâm linh.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ ngày 5/4, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách (Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc nước giếng nóng phải được nghiên cứu cụ thể. Song, ông cũng nói khả năng nước giếng nóng liên quan đến núi lửa là không có cơ sở.
Theo nhận định của nhà khoa học này, việc nước giếng nóng lên có thể liên quan đến đới đứt gãy sông Hồng.
Ông Minh nói, khi đới đứt gãy hoạt động, sẽ làm vỏ trái đất xê dịch, xảy ra đứt vỡ và từ đó sẽ có dòng khoáng đi lên, di chuyển dọc theo đứt gãy và đi lên mặt đất. Có thể dòng khoáng đó vào giếng và làm cho nước nóng lên.
Thực tế, ở khu vực tỉnh Lai Châu, Điện Biên, đới đứt gãy hoạt động liên tục. Tại khu vực lòng chảo Điện Biên cũng có nhiều mạch nước nóng xảy ra (như ở trường hợp tại Lào Cai).
Theo thông tin từ ông Lê Văn Bảo, chủ sở hữu chiếc giếng trên, nguồn nước này đã được dùng tắm cho người mẹ đã 95 tuổi, chân tay co quắp, đi lại khó khăn của mình. Sau khi được tắm, chân tay bà đã mềm mại và vận động trở lại, sức khỏe tốt lên. Tiến sĩ Minh cho hay, đây là dòng nước có khoáng chất, có thể là nguồn nước quý và cần nghiên cứu, khai thác hợp lý để phục vụ cho con người.
Về việc các đới đứt gãy hoạt động đồng nghĩa với việc ở khu vực này có động đất, ông Minh cho rằng ở một số khu vực việc động đất vẫn diễn ra. Chỉ có điều nó ở cường độ nhẹ hoặc chấn động từ động đất từ nơi khác đến, xảy ra xê dịch mà chỉ máy móc mới ghi lại được.
Ông Minh cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không nên quá lo ngại trước hiện tượng này.
Ở một góc nhìn khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đản nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho biết, để xác định nguyên nhân cần phải đi khảo sát thực địa, xem xét tình hình. Tuy nhiên, hiện tượng này thường gọi là “ô nhiễm nhiệt” (nhiệt độ bỗng dưng tăng lên).
Tuy nhiên, ông Đản cũng đưa ra nhiều giả thuyết về việc nước giếng nóng lên bất thường. Theo đó, có thể nước nóng là do nhân tạo. Nghĩa là không chỉ là giếng nước mà thậm chí ở một số vùng đất (trong nhà vệ sinh, góc nhà…) tự dưng nóng lên bất thường. Nguyên nhân có thể chỗ đất đó gần hố tôi vôi, hay hở mạch điện… làm nung nóng nước và đất.
Ngoài ra, giếng nước nóng bất thường cũng có thể bởi nguyên nhân tự nhiên. Bởi vậy, cần phải xem xét giếng nước được đào qua lớp đất đá gì. Nếu đào qua đá bở rời hoặc than bùn thì có thể nước nóng lên bởi khí dễ cháy nảy sinh ra nhiệt cao. Hoặc, đó cũng có thể do hoạt động kiến tạo của trái đất từ dưới sâu đưa lên.
Trong trường hợp ở Bảo Thắng, ông Đản dự đoán nguyên nhân bắt nguồn từ tự nhiên nhiều hơn. Song yếu tố liên quan đến hoạt động núi lửa cũng được nhà khoa học này loại trừ.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho hay, Sở này đã nhận được thông tin về giếng nước lạ ở Bảo Thắng và hôm nay đã cử cán bộ đến lấy mẫu nước về nghiên cứu, xem xét nguyên nhân từ đâu để đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân.
Theo Vietnam+