Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng các nhà khoa học Anh đã tạo thành công “nước khô”.
Theo tờ Telegraph, “nước khô” trông giống chất bột trắng. Mỗi hạt nước khô chứa đựng một giọt nước có lớp vỏ bọc là silic điôxít (hợp chất của silic dưới dạng sa thạch). Thực tế, 95% nước khô là nước “ẩm ướt”.
Mỗi hạt nước khô chứa đựng một giọt nước có lớp vỏ bọc là silic điôxít.
Các nhà khoa học tin rằng, nước khô có thể hữu dụng trong việc chống sự nóng lên toàn cầu bằng cách thấm hút và nhốt giữ cácbon điôxít (CO2) – chất gây hiệu ứng nhà kính. Các thí nghiệm cho thấy, nước “khô” có khả năng thấm hút CO2 cao gấp 3 lần nước thông thường.
Nước khô cũng có thể được sử dụng để trữ mêtan và tăng cường tiềm năng năng lượng của nguồn khí đốt tự nhiên.
Tiến sĩ Ben Carter từ Đại học Liverpool đã trình bày nghiên cứu của ông về nước khô tại đại hội toàn quốc lần thứ 240 của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở Boston. Ông nhấn mạnh: “Không có thứ gì giống nó. Hy vọng rằng chúng ta có thể chứng kiến nước khô tạo ra những đột phá trong tương lai”.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Carter cũng trình diễn một ứng dụng khác của nước khô: làm chất xúc tác để thúc đẩy các phản ứng giữa hyđrô và axít maleic. Quá trình này cho ra sản phẩm là axít succinic – vật liệu thô chính được dùng rộng rãi để sản xuất thuốc, các thành phần thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Thông thường, hyđrô và axít maleic cần phải được khuấy trộn với nhau để tạo thành axít succinic. Tuy nhiên, điều này không cần thiết nữa khi sử dụng các hạt nước khô chứa axít maleic, khiến quá trình trở nên thân thiện với môi trường hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, công nghệ trên có thể ứng dụng để tạo các nhũ tương bột “khô”, hỗn hợp của 2 hoặc nhiều hơn các chất lỏng không hòa trộn được như dầu và nước. Các nhũ tương khô có thể khiến việc lưu trữ và vận chuyển những chất lỏng độc hại dễ dàng và an toàn hơn.
Theo Vietnamnet