Nước Nhật trông chờ vào thế hệ robot tương lai

Nước Nhật trông chờ vào thế hệ robot tương lai

Tại một phòng thí nghiệm đại học ở ngoại ô Tokyo, các sinh viên cơ khí đang lắp đặt dây cho một gương mặt robot cao su để kích hoạt 6 biểu hiện cơ bản của con người: giận dữ, sợ hãi, buồn bã, hạnh phúc, ngạc nhiên và ghê tởm.

Nối với cơ sở dữ liệu từ vựng tập trung theo liên tưởng, robot Kansei –nghĩa là “sự nhạy cảm” – phản ứng với từ “chiến tranh” bằng vẻ mặt căm ghét và với từ “tình yêu” bằng một nụ cười. Theo trưởng dự án Junichi Takeno thuộc Đại học Meiji: “Muốn sống giữa con người, robot cần phải xử lý những trách nhiệm xã hội phức tạp. Robot cần phải biết thể hiện cảm xúc để hiểu và cuối cùng cảm nhận được nó.”

Trong khi quá trình ghép những cảm xúc phức tạp của con người vào robot còn rất nhiều việc phải thực hiện, nước Nhật có lẽ là nước tiếp cận gần nhất với thế hệ tương lai này – vốn chỉ có trong truyện khoa học viễn tưởng – thời điểm con người và những robot thông minh sống bên cạnh nhau và giao tiếp bình thường về mặt xã hội.

Robot hiện nay đã quá phổ biến ở các nhà máy Nhật Bản, đến nỗi chúng được chào đón vào ngày đầu tiên làm việc với nghi lễ Shinto. Robot chế biến sushi. Robot trồng cấy lúa. Có những loại robot phục vụ tiếp tân, lau dọng văn phòng, chăm sóc người cao tuổi. Chúng phục vụ trà, chào đón khách và tiếp chuyện ở những buổi triển lãm công nghệ. Bây giờ là đến thời đại của những robot giúp việc nhà.

Không phải tất cả robot đều mang hình dạng con người. Paro là một con hải cẩu robot lông dày với các bộ cảm biến dưới lớp lông và những chú mèo được thiết kế để làm bạn với người cao tuổi, có thể đóng mở mắt và động chân.

Đối với nước Nhật, cách mạng robot là điều hiển nhiên, bắt buộc. Với 1/5 dân số trên 65 tuổi, đất nước này phải dựa vào robot để thay thế lực lượng lao động và chăm sóc người già. Trong nhiều năm gần đây, chính phủ đã tài trợ cho hàng loạt các công trình liên quan đến robot, bao gồm khoảng 42 triệu đô cho giai đoạn đầu của một dự án robot như người, và khoảng 10 triệu đô giữa năm 2006 và 2010 để phát triển những công nghệ robot chủ chốt.

Chính phủ ước lượng ngành công nghiệp robot có thể tăng lên đến 5,2 tỉ đô vào năm 2006, 26 tỉ đô vào năm 2010 và gần 70 tỉ đô trước năm 2025. Bên cạnh sức mạnh kinh tế và công nghệ, làn sóng robot cũng được các nhà trí thức Nhật ủng hộ.

Nước Nhật trông chờ vào thế hệ robot tương lai

Một robot trông như người, được thiết kế để biểu hiện những nét mặt của người khi phản ứng lại những từ tiếng Anh và Nhật được nhập vào hệ thống máy tính gắn kèm, đang được nối dây tại một phòng thí nghiệm robot ở Tokyo vào ngày 15 tháng 5 năm 2007. (Ảnh: AP Photo/David Guttenfelder ) 

Robot được miêu tả là những người giúp việc thân thiện trong văn hóa phổ thông của Nhật, khác hoàn toàn với những máy móc bạo lực và nổi loạn thường thống lĩnh khoa học viễn tưởng phương Tây. Suy cho cùng, nước này đã phát minh ra Tamagotchi, thú nuôi điện tử cầm tay đã mê hoặc trẻ em trên toàn thế giới.

Các chuyên gia cho biết, Nhật thường dễ chấp nhận vai trò của robot vì tôn giáo Shinto thường xóa nhòa ranh giới giữa người và vật. Trong tâm lý người Nhật, ý tưởng một chú robot giống người và có cảm xúc không đáng sợ hoặc đầy đe dọa như ở những nền văn hóa khác.

Cho đến hiện nay, Nhật đối diện với một thách thức to lớn trong việc thực hiện một bước nhảy – cả về thương mại và văn hóa – từ đồ chơi, quảng cáo và những robot thử nghiệm trong phòng thí nghiệm như của Takeno phát triển cho đến sự thay thế hoàn toàn vai trò của con người mà người bình thường cũng có thể mua được và sử dụng an toàn.

Damian Thong, nhân viên phân tích công nghệ cấp cao tại Ngân hàng Macquarie ở Tokyo cho biết: “Mọi người vẫn tự hỏi liệu họ có thực sự chấp nhận robot có mặt xung quanh nhà và gấp quần áo. Nhưng sau đó, một lần nữa, Nhật là nước duy nhất trên trái đất mà mỗi người dân đều có một nhà vệ sinh điện tử. Chúng ta có thể trông đợi vào một cuộc cách mạng robot.”

Cuộc cách mạng này đã tiến triển một cách thầm lặng trong một thời gian.

Nhật vốn đã trở thành một tổ chức vận hành bằng robot công nghiệp. Theo số liệu báo cáo của Macquaire, trên 370.000 robot làm việc tại nhà máy trên toàn Nhật vào năm 2005, khoảng 40% tổng số toàn cầu và cứ mỗi 1000 nhân công thì có khoảng 32 robot. Nhưng họ không có số liệu cho những năm sau.

Robot không đòi hỏi tiền làm thêm giờ và lương hưu khi họ nghỉ hưu. Eimei Onaga, Giám đốc điều hành của Innovation Matrix, công ty phân phối công nghệ robot Nhật ở Mỹ, cho biết:Giá của máy móc đang giảm xuống, trong khi giá nhân công đang tăng. Sớm muộn gì, robot có thể thay thế cho những công nhân lương thấp ở các công ty nhỏ và đẩy năng suất lên rất nhiều.”

Đây là những lý do khiến chính phủ Nhật trông chờ rất nhiều vào robot. Dự án bản đồ chỉ đường công nghệ quốc gia 2007 của Bộ Thương mại cần đến 1 triệu robot công nghiệp lắp đặt trên toàn quốc trước năm 2025. Một chú robot có thể thay thể cho khoảng 10 nhân công, theo như giả thiết của dự án bản đồ – điều này nghĩa là một đội nhân công 1 triệu robot sẽ thay thế cho 10 triệu người. Con số đó thay thế cho khoảng 15% lực lượng lao động.

Shunichi Uchiyama, người đứng đầu chính sách sản xuất công nghiệp của Bộ Thương mại, phát biểu tại một hội thảo gần đây: “Robot là nền tảng của cạnh tranh quốc tế của Nhật. Chúng tôi hy vọng rằng công nghệ robot sẽ giúp thúc đầy nhiều ngành nghề tiến bộ hơn nữa.”

Thời điểm hiện nay, nhiều chính quyền địa phương mong muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp sở tại đã phải dựa vào công nghệ robot nhằm đem đến tiến bộ cho nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, công nghệ robot được dùng để sản xuất ra nhiều ôtô phức tạp và các trang thiết bị phẫu thuật.

Bước phát triển hợp lý kế tiếp là đưa robot vào đời sống hàng ngày.

Tại một bệnh viện ở Aizu Wakamatsu, nằm cách Tokyo 190 dặm về phía bắc, một chú robot trắng-xanh kích cỡ chỉ như một đứa trẻ đi dọc các tầng, hướng dẫn bệnh nhân đến và đi khỏi khu vực phẫu thuật bệnh nhân ngoại trú. Robot này do Tmsk phát triển phát ra được những câu chào đơn giản và sử dụng bộ cảm biến để phát hiện và cảnh báo cho người choán đường đi. Nó có thể in ra những bản đồ bệnh viện và thậm chí kiểm tra tình trạng tim mạch của bệnh nhân.

Nước Nhật trông chờ vào thế hệ robot tương lai
(Ảnh: Theage.com.au)

Bệnh viện Aizu Chuo đã dành khoảng 557.000 đô để lắp đặt 3 robot này ở phòng chờ để thử phản ứng của bệnh nhân. Theo phát ngôn viên Naoya Narita, thái độ của người bệnh là hoàn toàn tích cực. “Chúng tôi cho rằng đây là sự phân công lao động hợp lý. Robot sẽ không trở thành bác sĩ nhưng chúng có thể hướng dẫn và làm tiếp tân.”

Tuy nhiên, nó vẫn chưa chiếm được cảm tình của tất cả những người lớn tuổi ở phòng chờ bệnh viện vào một sáng trong tuần. Cụ Hiroshi Asami, 81 tuổi và phải ngồi xe lăn, bực tức nói: “Nó bảo tôi phải tránh đường trong khi nó mới là kẻ cần phải tránh tôi. Nó chỉ là một con robot. Tôi vẫn thích tiếp xúc với người thật hơn.”

Hạn chế về mặt chi phí.

Sau tất cả các công trình nghiên cứu, Nhật vẫn chưa cho ra đời được một robot thành công về mặt thương mại. Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries không thể bán được dù chỉ một robot giúp việc nhà Wakamaru, ra mắt vào năm 2003. Mặc dù khá nổi tiếng khi mới xuất hiện, chó Aibo của Sony vẫn không thành công trong vòng 7 năm sau khi ra đời. Với cái giá chóng mặt 2.000 đô, Aibo không bao giờ chen chân vào được thị trường tiêu dùng hàng loạt.

Một trong những robot thành công về mặt thương mại cho đến thời điểm hiện này là do công ty iRobot phát triển, một công ty của Mỹ. Robot hút bụi Roomba tự di chuyển và có thể lau dọn phòng mà không cần sự giám sát. Theo Giám đốc điều hành Helen Greiner của iRobot: “Chúng ta gần như có thể chế tạo ra mọi thứ nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi xem mọi người thực sự sẽ mua gì?” Công ty này đã bán được 2.5 triệu robot Roomba, có giá bán lẻ khoảng 120 đô, kể từ khi sản phẩm này ra mắt vào năm 2002.

Nước Nhật trông chờ vào thế hệ robot tương lai
Robot hút bụi Roomba(Ảnh: Wordpress.com)

Greiner nhấn mạnh tại một hội nghị vừa qua là với phương pháp tiếp cận hợp lý, robot vẫn có thể là một món hàng hóa sinh lời. Các nhà sản xuất của Nhật chắc chắn đang hướng đến điều này, và vừa cho ra mắt một loại robot giá thành thấp như chú i-Sobot của Tomy, có giá 300 đô. Đây là một chú robot trông như đồ chơi có gắn 17 động cơ, có thể nhận ra một số lời nói và được điều khiển từ xa.

Sony đang cố rút kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ và cho ra đời một loại robot rẻ hơn nhiều với giá 350 đô được xây dựng trên công nghệ robot của mình.

Theo Kyoji Takenaka, Trưởng Hội đồng Phát triển công nghiệp robot nói: “Những gì chúng ta cần bây giờ không phải là những robot giống người kiệt xuất. Kỹ sư nên nhớ rằng chìa khóa phát triển robot không phải trong phòng thí nghiệm mà trong đời sống hàng ngày.”

Hiện nay, một trong những sự phát triển robot đáng chú ý nhất đang nằm ngoài phòng thí nghiệm Nhật. Ví dụ, các nhà khoa học thuộc Đại học Osaka đang phát triển một loại robot để tìm hiểu kỹ hơn về sự phát triển của trẻ em. “Robot trẻ em với cơ thể bắt chước sinh học” được thiết kế để mô phỏng những cử động của một đứa trẻ khoảng 3-6 tuổi. Nó phản ứng với âm thanh, bộ cảm biến trong mắt có thể nhìn và phản ứng với con người. Nó cử động, thay đổi biểu hiện nét mặt và phát ra những âm thanh ríu rít.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Minoru Asada, đang phát triển phần mềm trí thông minh nhân tạo cho phép đứa trẻ “học hỏi” khi phát triển lên. Asada cho biết: “Hiện nay, nó chỉ biết nói Ah, ah nhưng một khi chúng tôi phát triển được chức năng học hỏi, chúng tôi hy vọng nó có thể bắt đầu nói những câu phức tạp hơn và phát triển bằng ý thức của mình. Thế hệ robot kế tiếp cần phải có khả năng học hỏi và tự thân phát triển.”

Đối với Hiroshi Ishiguro, cũng thuộc Đại học Osaka, chìa khóa nằm ở khả năng biến robot giống như con người. Robot Geminoid của ông trông khá giống ông, tóc thô xoăn màu đen và có da rám nắng.

“Suy cho cùng, chúng ta không muốn phải giao tiếp với máy móc hoặc máy vi tính. Chúng ta muốn tiếp xúc với công nghệ bằng một cách hết sức nhân bản vì vậy hoàn toàn tự nhiên và hợp pháp khi cố gắng tạo ra những robot trông như con người. Một ngày nào đó, chúng sẽ hiện diện giữa chúng ta. Lúc đó bạn sẽ phải hỏi người xung quanh “Bạn là người hay robot?””.

 

Theo Tuệ Minh (PhysOrg, AP, Yahoo news)