Đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất khoai tầng vàng ở tỉnh Phú Thọ” không những bảo tồn được nguồn gene khoai tầng vàng mà còn giải quyết được bài toán nguồn giống đồng bào dân tộc các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ trong việc trồng cây khoai tầng vàng đặc sản tại địa phương.
Cây khoai tầng vàng đã được trồng rất lâu tại các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn. Đây là loại khoai thơm ngon, đặc sản của đồng bào các dân tộc, được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, việc trồng cây khoai tầng vàng còn mang tính tự phát, chưa áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên chưa phát huy hết tiềm năng.
Trưởng bản Náy, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) Trần Văn Vinh cho biết từ trước đến nay, bà con các bản động Náy, Bồ Xồ, Quất ở xã Yên Lương thường để giống khoai tầng vàng theo cách truyền thống, đó là sau khi thu hoạch (khoảng tháng 10-12 hàng năm), những củ khoai nhỏ, không sâu bệnh sẽ được vùi dưới đất trên núi, đợi đến vụ mới (tháng Hai hàng năm) bà con sẽ đi đào từng hốc đất lấy khoai lên và trồng vào hốc đất khác. Việc làm theo cách truyền thống này rất mất thời gian, công sức mà tỷ lệ khoai giống đạt chất lượng tốt không cao.
Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp Công nghệ cao – Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất khoai tầng vàng ở tỉnh Phú Thọ”.
Đề tài đã tập trung khảo sát thực trạng sản xuất khoai tầng vàng, đánh giá điều kiện tự nhiên, sự phân bố đất trồng, tập quán canh tác, sản lượng, cách bảo quản củ giống của người dân địa phương… để tiến hành xây dựng quy trình nhân nhanh giống khoai tầng vàng bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Sau hai năm thực hiện, đề tài đã sản xuất được 10.000 cây con giống khoai tầng vàng nuôi cấy mô, đồng nhất, sạch bệnh, làm cơ sở bước đầu cho việc xây dựng vườn sản xuất giống gốc khoai tầng vàng.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, đề tài đã đào tạo được 4 cán bộ thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật Phú Thọ nắm được quy trình nhân nhanh giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và kỹ thuật canh tác khoai tầng vàng.
Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) cho biết năm 2011, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất khoai tầng vàng”, với mục đích bảo tồn nguồn gene khoai tầng vàng, cung cấp giống phục vụ gây trồng trên diện rộng.
Sau khi thí điểm, kết quả cho thấy sản phẩm khoai tầng vàng cho chất lượng tốt, chủ động được khâu nguồn giống chất lượng, sạch bệnh để cho vụ tiếp theo. Thông qua kết quả của mô hình, sẽ cung cấp giống, triển khai nhân rộng cho người dân gây trồng, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình và hướng đến việc tạo ra thương hiệu cho khoai tầng vàng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch địa phương và góp phần quản lý rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn bền vững.
Việc thí điểm thành công nhân giống khoai tầng vàng bằng phương pháp nuôi cấy mô và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, trồng, chăm sóc tại vùng dự án sẽ có điều kiện mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao (gấp 2,5 lần so với cây ngô).
Đây sẽ là điều kiện tốt để người dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Theo Vietnam+