1. Nói quá nhiều và không chịu làm gương
Khi đi nghe thuyết trình, bị “nhiễm” các chiêu dụ dỗ của người bán hàng đa cấp, chúng ta sẽ bị mắc căn bệnh đầu tiên là bệnh “tính cua trong lỗ”. Nôm na rằng, ta gây dựng lấy 5 cấp dưới, mỗi một cấp dưới, trong một tháng gây dựng được 5 cấp dưới thấp hơn. Vậy thì sau một tháng, số tiền ta có là bao nhiêu? Chẳng mấy mà thành tỷ phú! Vậy nhưng đa số những người tham gia chẳng bao giờ thực hiện được ý định đó bởi quá nhiều khó khăn. Gia đình, bè bạn chẳng mấy ai chịu ngồi hàng giờ để nghe ta thuyết phục. Họ thường trông theo những việc ta làm và đánh giá thực chất về những mặt hàng mà ta đang tâng bốc, xác định cụ thể mức độ cải thiện về sức khỏe của những “thần dược” mà ta tuyên truyền.
Chuyện bán hàng đa cấp thì không xa lạ gì, nhưng cái chủ quan, cái tự tin thái quá kiểu “tính cua trong lỗ” ấy, nếu ngẫm sâu xa trong việc dạy con, sẽ thấy bài học mới từ những điều rất cũ. Nhiều người cha, người mẹ quên mất việc làm gương. Luôn dạy con biết nhường nhịn anh chị em nhưng chính bố mẹ còn cò kè, thêm bớt với các cô các chú. Dặn con nói năng lễ độ nhưng cha mẹ luôn nói với con bằng những lời khó nghe. Dặn con trung thực nhưng cha mẹ, cứ hễ mở điện thoại ra, thấy số điện thoại của sếp là bắt đầu nói dối.
2. Tâng bốc toàn những giá trị ảo
Từ khi sinh con ra, giá trị ảo đầu tiên các bà mẹ đã đem đi khoe, là cân nặng. Ai cũng thích con sinh ra phải to nhất phòng hộ sinh. Hôm tôi đi sinh em bé, con tôi khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ có 2.9kg. Cân nặng này với một em bé gái là chuyện binh thường nhưng cả phòng hộ sinh chê con tôi bé. Có một chị, ngươi gầy nhom mà sinh nở 2 lần đều tạo ra những em bé… khổng lồ, bé nào cũng trên 4kg hết cả.
Thế nhưng trong lúc chị đang thao thao bất tuyệt khoe khoang thì cô hộ lý nhắc chị nói nhỏ thôi và bảo, con chị to quá, có biểu hiện của việc chị bị loãng xương, rối loạn nội tiết, đặc biệt là rối loạn đường máu khi mang thai, và em bé có rất nhiều nguy cơ sau này. Lúc ấy chị mới lặng im.
Lớn một chút, khi con tôi đi học mẫu giáo, các bà mẹ tháng nào cũng ngắm nghía kết quả cân nặng chiều cao của con rồi tỏ vẻ bực bội khi con không đứng trong top “to béo nhất lớp”. Trong top đó, thực chất những em bé đó đều ở dạng béo phì, nhưng không hiểu sao các mẹ rất tự hào. Tôi không thấy tài liệu y khoa nào ca ngợi việc con béo phì là tốt, mà chỉ thấy việc trẻ sơ sinh béo phì sẽ hạn chế khả năng vận động và nhận thức.
Về sau này, còn biết bao nhiêu là những giá trị ảo khác được tung hô. Về vở sạch chữ đẹp, về điểm số, về việc biết chữ trước khi đi học. Rồi tiếp theo là trường top, trường điểm, trường quốc tế, danh hiệu, giấy khen và giải thưởng… Không ít những thứ trong số đó thật sự không cần thiết! Y như bán hàng đa cấp vậy, mọi thứ đều bị thổi phồng, và cái giá phải trả là quá đắt! Câu hỏi cuối cùng là con có trở thành người tốt và có niềm vui trong cuộc sống hay không thì không ai dám mạnh dạn trả lời.
3. Xây dựng hệ thống để “không cần làm vẫn có cái ăn”
Một chuyện hài hước là rất nhiều người muốn tham gia hệ thống đa cấp không phải vì thấy sản phẩm ấy tốt; không phải vì thấy có ích cho cộng đồng, mà đơn giản là vì lời nhuận cao và sau này mong muốn gây dựng hệ thống để “không cần làm vẫn có tiền tự chảy vào túi”. Nó giống y như chuyện chúng ta biết chúng ta biết chắc con hợp với môn văn nhưng bắt con thi toán chỉ vì nghĩ khối A dễ kiếm việc làm. Kiểu như biết chắc con không có khả năng lãnh đạo nhưng cố xin xỏ chạy chọt hoặc thúc giục con ứng cử bằng được chức lớp trưởng để con được chú ý. Được chú ý để có nhiều cơ hội. Nhiều cơ hội để sau này… dễ có tiền! Tóm lại, để con trở thành người nhàn tản mà vẫn có tiền, thật sự nhiều tiền! Đây thực chất là tham vọng “sống trên người khác”, và hưởng thụ khi không hề đóng góp, hoặc chỉ đóng góp trong một thời gian ngắn.
4. Lấy sự cầu an và giá trị đồng tiền làm tiêu chí
Khi được hỏi vì sao lại tham gia một hệ thống đa cấp và chỉ nghe duy nhất những lời tuyên truyền một phía từ những người trong hệ thống của mình, thì rất nhiều người nói rằng họ chẳng cần biết tại sao. Họ chỉ thấy có vẻ dễ dàng thuyết phục người khác mua hàng và kiếm được tiền. Họ thậm chí không cần kiểm chứng lại chính những lời mà mình đang dùng để tung hô các sản phẩm của mình. Khi tôi hỏi họ nhỡ sai thì sao, họ trả lời rằng tầng tầng lớp lớp cấp trên của họ, rõ là đang nói thế mà chả ai cần phải suy nghĩ gì.
Nhiều bậc cha mẹ muốn con vào đại học vì đa số mọi người vào đại học. Muốn con được điểm cao vì đa số mọi người đều muốn được điểm cao. Muốn con phải làm như thế này thế kia vì đa số mọi người đều muốn như nhau, đều làm như nhau và được trả lương.
Đến đây thì tôi kết bài! Vì tôi nghĩ, ngộ nhận như thế là quá đủ rồi!
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.