Chị Liên Hương và “bạn” Sâu
– Chào Mẹ Ong Bông, chị có thể giới thiệu đôi chút về bản thân được không?
Tôi tên thật là Liên Hương, nhưng quen thuộc với cái tên “Mẹ Ong Bông” hơn. Vì thật ra tôi không thích nói nhiều về bản thân lắm mà mắc bệnh thích “khoe con” – “khoe chồng” thôi (cười).
Tôi hay bị coi là “mẹ mìn”, “mẹ lười” khi để con tự ngủ, cho con ngủ riêng một phòng, tự ăn bằng tay, chỉ cho con ăn theo bữa, tự chơi, ngã tự đứng dậy… và tôi không hối hận vì điều đó.
“Bạn Sâu” nhà tôi hiện tại được 32 tháng. Vốn dĩ từ khi sinh ra bạn đã thể hiện cho mẹ thấy mình là một cô bé lắm chiêu như thế nào: Tháng đầu bạn chẳng chịu ngủ mà chỉ quấy khóc, mẹ muốn bạn ngủ thì chỉ có cách cho bạn đi vòng vòng quanh nhà, ngủ ngày cày đêm và cái còi là biệt danh của bạn.
Đến 8 tuần tuổi, mẹ quá kiệt sức với sự nhõng nhẽo của bạn nên đã tìm hiểu chiêu để rèn bạn tự ngủ. Đó cũng là thời gian mẹ tiếp cận với các phương pháp nuôi con tiến bộ. So với các bé khác, bạn thuộc dạng ăn rất ít (bình sữa mẹ vắt ra bạn uống mỗi cữ chỉ 120ml là kịch kim và 4 giờ ăn một lần), ăn 5ml cháo 1 ngày trong suốt 4 tháng theo ăn dặm kiểu Nhật, BLW (kiểu ăn dặm tự chỉ huy) thì dừng ở mức độ vui chơi là chính, thậm chí bạn đã từng có thời kì không ăn gì một tháng liền mà chỉ bú mẹ (không bú đêm). Bạn cũng không phải là một em bé giỏi với BLW vì tận 1,5 tháng sau khi luyện tập mới biết nuốt, rồi ăn 4 tháng vẫn còn ọe, 15 tháng mới biết cầm thìa. Về cân nặng, bạn luôn được “dọa” là suy dinh dưỡng từ khi 1 tháng tuổi, đến tận bây giờ bạn vẫn được khen là “còi” giống mẹ. Khi đọc đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ mẹ có gì phải tự hào về bạn.
Tác phẩm sắp ra mắt của Mẹ Ong Bông và hai tác giả khác.
Nhưng mẹ không tự hào sao được khi bạn có thể tự ngủ từ gần tháng tuổi, ngủ liền mạch 12 tiếng/đêm. Bạn ngủ riêng từ khi 2 tuổi và vì đã biết tự ngủ nên mẹ chẳng mất mấy thời gian để giúp bạn làm quen. Dù 15 tháng bạn mới biết dùng thìa nhưng bạn đã tự ăn và ăn như người lớn từ hồi 10 tháng tuổi, giờ thì bạn không những tự ăn mà còn ham ăn như… heo (cười). Bạn tự đứng dậy khi ngã, bạn tự chơi cho mẹ nấu cơm, bố làm việc. Bạn tự lập, vui vẻ, bạn yêu bố yêu mẹ. Còn bạn có còi hay không ư? Tôi chẳng quan tâm vì chỉ số BMI của bạn “đẹp như mơ”. Bạn lớn lên, đi khám định kỳ bác sĩ khen bạn phát triển quá tốt, vậy thì bạn có to hay không mẹ bạn chẳng quan tâm làm gì. Mẹ lúc nào chẳng hát bài: “Vứt cái cân đi và vui sống”.
– Nội dung chính của cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến” sắp ra mắt tới đây là gì ạ?
Điểm đặc biệt của cuốn sách này đầu tiên là:
– Nó do các mẹ Việt viết dành riêng cho các mẹ Việt.
– Nó là tổng hợp các kiến thức có thể áp dụng được ở Việt Nam, dựa trên những gì chúng tôi tìm hiểu và đúc rút rất nhiều kinh nghiệm của các mẹ khác đã thực hiện thành công. Nó không chỉ là kiến thức trên giấy nữa mà đã được kiểm chứng từ giấy ra thực tế.
– Nó đề cập đến một số vấn đề mà các mẹ Việt chưa có điều kiện để tìm hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc.
– Những vấn đề “cốt lõi” mà chị muốn nhắn nhủ, chia sẻ với các mẹ khác qua “Nuôi con không phải là cuộc chiến”?
Hãy tôn trọng, tin tưởng con của bạn. Tôi có viết lời đề tặng dành cho các mẹ bằng một đoạn thơ chế vui vui, cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm với các mẹ thông qua cuốn sách, đó là:
Nhưng mà thật vui
Ai mà bình tĩnh
Thì sẽ nhàn thôi”
Chúc các bạn luôn bình tĩnh làm mẹ!
– Nội dung cuốn sách là những trải nghiệm, học hỏi của chị từ thực tế chăm sóc con tôi, hay do chị nghiên cứu, học hỏi từ sách báo và các nguồn khác ạ?
Cả 2.
Tôi đã đọc rất nhiều sách nuôi con cũng như các kiến thức trên rất nhiều website và tôi vận dụng những kiến thức đó để nuôi dạy con mình, đúc rút ra kinh nghiệm của bản thân. Tôi cũng tổng hợp lại và chia sẻ những kiến thức đó cho các mẹ, đồng hành cùng các mẹ khi các mẹ gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con. Gần 3 năm chăm sóc con và gần 2 năm giúp đỡ với các mẹ trong những tình huống khó, chứng kiến nhiều mẹ thành công với sự hỗ trợ của chúng tôi, đó là động lực để chúng tôi viết nên cuốn sách này.
– Được biết cuốn sách này còn có sự tham gia của mẹ Bubu Huong và Hachun Lyonnet?
Đúng vậy. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. 3 chị em chơi thân với nhau, tính cách cũng hợp nhau nên làm việc rất ăn ý. Ngoài ra chị Bubu và chị Hachun đều là những người mẹ có kiến thức sâu rộng, làm việc chuyên nghiệp và rất có tinh thần trách nhiệm, bởi vậy dù bận với việc gia đình và việc riêng nhưng các chị vẫn đầu tư rất nhiều thời gian và tâm huyết cho cuốn sách, cùng nhau hoàn thành cuốn sách đúng hạn. Hơn nữa chúng tôi đều có chung xuất phát điểm là niềm đam mê với việc làm mẹ, và muốn được chia sẻ niềm đam mê đó cho những người mẹ khác.
– Ngoài ra, chị có thể chia sẻ thêm về những điều mình tâm đắc trong quá trình dạy con, những điều chị muốn khuyên các mẹ khác làm theo để con cái được nuôi dạy tốt nhất…
Khi làm mẹ, bạn sẽ nhận ra rằng có những điều không thể phân biệt được rạch ròi rằng đâu là đúng, đâu là sai – đâu là tốt, đâu là không tốt, mà chỉ có đâu là phù hợp, đâu là không phù hợp, đâu là thoải mái, đâu là mệt mỏi. Cho dù bạn chọn cách nuôi con như thế nào, cho dù quan điểm của bạn có trái ngược hoàn toàn với của tôi nhưng bạn và con bạn cảm thấy ốn và hài lòng với điều đó, là được. Bởi vậy tôi sẽ không khuyên các bạn làm thế nào để có thể nuôi dạy con tốt nhất vì con của bạn không phải là con của tôi, và tôi không thể hiểu con bạn bằng bạn để có thể biết được điều gì là tốt nhất cho con.
Từ trước tới nay khi các mẹ hỏi tôi rằng: “Chị ơi em làm thế này cho con đã được chưa, em làm thế này cho con đã đúng chưa?”… tôi đều hỏi các bạn rằng: ” Em làm thế em có thấy thoải mái không, có bị stress không, con em có vui vẻ không?”… Nếu câu trả lời là: “Có”, tôi sẽ không can thiệp gì vào việc nuôi con của các bạn, tôi chỉ hỗ trợ các bạn khi các bạn cảm thấy quá mệt mỏi, quá kiệt sức và cảm thấy không ổn với những gì bạn đang làm cho con. Đừng đặt áp lực phải nuôi con khoa học, cũng đừng đặt áp lực phải trở thành người mẹ như chị A, chị B, cũng đừng đặt áp lực rằng con sẽ phải như con nhà người ta… Hãy thư giãn và thoải mái, hãy dành ra chút thời gian trong ngày để nghĩ xem bạn thực sự muốn mình sẽ trở thành người phụ nữ như thế nào? Bạn muốn con mình sẽ là một em bé ra sao?… Từ đó, hãy tìm hiểu thông tin, kiến thức một cách nghiêm túc và vạch ra chiến lược để nuôi dạy con. Không cần cầu kì, đôi khi chỉ cần tôn trọng bản năng của con và thuận theo tự nhiên là bạn cũng đã có thể khiến cho việc làm mẹ trở nên “nhàn tênh” rồi.
Tôi có một điều nhắn nhủ với các bạn đã, đang và sắp làm mẹ: Học làm mẹ còn khó hơn học Toán, học Văn. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu kiến thức nào đó, đừng lười biếng, đừng cưỡi ngựa xem hoa, đừng chờ ăn sẵn mà hãy tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. Như thế bạn mới có thể hiểu rõ và áp dụng linh hoạt để nuôi dạy con mình được.
– Cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ cùng độc giả ChaMeCuaCon.com !
Thiên An
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.