Hơn một tháng qua, trong khi nhiều tỉnh ở ĐBSCL lao đao vì dịch cúm gia cầm tái phát, có nguy cơ lan rộng thì tại An Giang, tình hình vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học đã bảo đảm cho đàn gia cầm của tỉnh an toàn trước đại dịch và nguồn giống tốt vẫn được duy trì.
Mô hình hiệu quả
Nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học là mô hình chăn nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và nguồn giống sạch. Ông Hàng Tấn Tài, ở Hòa Long I, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, một trong những người đi đầu thực hiện mô hình, nói: “Đây là mô hình nuôi tập trung với mục đích quản lý số lượng đàn, theo dõi tỷ lệ đẻ trứng, số lượng thức ăn và thực hiện tiêm phòng đầy đủ”.
Mô hình nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học tại An Giang. |
Sau khi thí điểm lứa đầu thành công, từ diện tích nuôi 2.000m2, ông Tài đã mở rộng diện tích nuôi lên 2ha. Trong đó, diện tích ao nuôi của trang trại là 1 ha, bao gồm chuồng trại và sân cho vịt nghỉ ngơi, mật độ thả thưa với tổng đàn 4.000 con; phần còn lại là ao lắng lọc và xử lý nước thải. Ông Tài cho biết: “Muốn thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín thành công, trang trại phải nằm xa khu dân cư, đồng thời phải kết hợp với nuôi cá trong hầm, xử lý nước định kỳ bằng thuốc sát trùng, hạn chế người lạ ra vào chuồng trại và sát trùng chuồng trại 1 tuần/ lần”. Thực tế chứng minh, đã 3 năm qua, đàn vịt của ông Tài chưa một lần phát dịch, tổng đàn được duy trì, vịt đẻ sai. Theo cách tính của ông Tài, mô hình này còn có thể áp dụng để nuôi vịt thương phẩm theo hình thức bán công nghiệp 4 đợt trong năm, hoặc thả rong 2 đợt trong năm. Cách làm này có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh, hạn chế rủi ro, tiết kiệm nhân công và không lệ thuộc vào mùa vụ. Mô hình mang lại kết quả kinh tế: lãi gần 6.000 đồng/ con vịt thịt và 93.000 đồng/ con vịt đẻ.
Ông Trịnh Thế Thành, ấp Phú Thành, xã An Bình, huyện Thoại Sơn, cũng áp dụng cách nuôi này. Ông cho biết: “Tôi chia diện tích 3.500m2 ra thành 2 phần: phần ao cho vịt tắm khoảng 2.500m2, 1.000m2 còn lại là chuồng trại. Tuy nhiên, phải chọn giống tốt và tiêm phòng đầy đủ theo quy định của Nhà nước, thả cá trong ao, vệ sinh chuồng trại cẩn thận. Từ năm 2003 đến nay, đàn vịt thả nuôi vẫn khỏe mạnh, đẻ sai và không có dịch bệnh”. Nếu tính sơ bộ, với tổng đàn 1.300 con vịt đẻ siêu thịt, ông Thành lãi mỗi năm trên 90 triệu đồng.
Theo ông Phan Thanh Bình, ở khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, điều quan trọng nhất khi áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín là phải bảo đảm vệ sinh. Do đó, cần có đất rộng để làm ao lọc nước khi cho vào cũng như lắng và xử lý thật kỹ nước thải trước khi thải ra môi trường. Với diện tích 2ha, ông Bình đã nuôi 2.500 con vịt siêu thịt cho đẻ trứng kết hợp với nuôi cá trong ao. Năm qua, ông thu lợi trên 200 triệu đồng từ 2 đợt thu hoạch cá. Còn đàn vịt đẻ mang lại cho ông trên 355 triệu đồng lãi.
Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhận định: “Bước đầu, các hộ này đã góp phần cùng địa phương bảo vệ và duy trì đàn giống. Mô hình chăn nuôi khép kín sẽ là hướng phát triển mới để duy trì đàn gia cầm, khống chế dịch cúm gia cầm và sẽ là cách làm điển hình trong phát triển chăn nuôi gia cầm của tỉnh khi có chủ trương cho tái đàn”.
Nhân rộng mô hình
Trong những ngày qua, khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh tại ĐBSCL, những đàn vịt áp dụng phương pháp an toàn sinh học tại An Giang vẫn an toàn, vịt tiếp tục phát triển tốt. Điều này cho thấy tính hiệu quả của mô hình. Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: “Công ty Huỳnh Gia Huy Đệ tại TP Hồ Chí Minh đã khảo sát tất cả các mô hình điểm của tỉnh và sẽ bao tiêu đầu ra cho đàn vịt bảo đảm chất lượng. Vấn đề là khả năng nhân rộng mô hình và vốn đầu tư của bà con”. Đúng như nhận định của bà Hòa, hiện nay, với tổng đàn trên 2,8 triệu con, trong đó hơn 86% là vịt thì An Giang là một những địa phương có tổng đàn nhiều nhất tại ĐBSCL. Tuy nhiên, quy mô từng đàn lại nhỏ lẻ, hơn 87% số hộ nuôi theo cách chạy đồng để tận dụng thức ăn vào mùa thu hoạch. Đây là các hộ nghèo, không đất sản xuất hoặc diện tích đất nhỏ, không thể đầu tư thực hiện theo mô hình chăn nuôi khép kín. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 13% tổng số hộ nuôi có khả năng áp dụng mô hình nuôi khép kín.
Theo bà Phạm Thị Hòa, mục tiêu chính của mô hình chăn nuôi khép kín là giúp chuyển đổi tập quán chăn nuôi vịt chạy đồng, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp hay bán công nghiệp, có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ công nghệ về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, quản lý trại chăn nuôi, bảo vệ môi trường, gắn chăn nuôi gia cầm với giết mổ, chế biến sản phẩm và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Theo kế hoạch, trong năm nay, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 2 mô hình theo phương pháp an toàn sinh học và phấn đấu đến năm 2008 sẽ có 50% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia mô hình này.
Để nhân rộng mô hình, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí đánh giá tác động môi trường, kinh phí tiêu độc, khử trùng cho các hộ tham gia. Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm cúm gia cầm cho đàn giống của các cơ sở tham gia mô hình. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật và quản lý trại chăn nuôi. Thông tin quảng bá cơ sở chăn nuôi gia cầm và sản xuất giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ bà con vay vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cũng đã có những quy định cụ thể về khoảng cách an toàn giữa các trại chăn nuôi với khu dân cư, các phương pháp bảo đảm vệ sinh môi trường…
Theo thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 hộ chăn nuôi vịt quy mô từ 100 đến 6.000 con, trên 100 cơ sở ấp vịt tư nhân. Trong đó, có 49 cơ sở sản xuất vịt giống thương phẩm với số lượng khoảng 1,2 triệu con giống/năm và nếu sản xuất tối đa có thể nâng tổng số lên 6,5 triệu con. Bà Phạm Thị Hòa cho biết: “Hiện nay đã có 70 hộ đăng ký tham gia nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học nhưng tỉnh sẽ chọn lọc và triển khai khoảng 20 hộ. Đến năm 2008, sẽ nhân rộng các mô hình để góp phần khống chế dịch cúm gia cầm, tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững cao cho ngành chăn nuôi”. Áp dụng tốt mô hình chăn nuôi khép kín sẽ bảo đảm cho người chăn nuôi gia cầm tại An Giang tiếp tục phát triển nghề.
Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN
Theo Báo Cần Thơ