Dẫn chúng tôi đi xem trang trại với hàng trăm con heo rừng lai lớn nhỏ đủ loại, ông Tư Bon – trang trại Thanh Cảnh (Lái Thiêu, Bình Dương) – cho biết đây là những con heo lai thuộc thế hệ F5, F6. So với heo rừng chính gốc, thịt của heo lai hơi có mỡ và ít khô hơn nhưng vẫn giữ được hương vị của thịt heo rừng. Sau bảy năm nuôi heo rừng lai, trang trại Thanh Cảnh đã phát triển đàn lên đến vài trăm con.
Heo con thế hệ thứ tư đã được xem là heo rừng thuần chủng đến 90% (Ảnh: Thu Thảo) |
Thịt heo rừng lai có giá bán xuất chuồng 80.000-110.000 đồng/kg, gấp bốn lần so với heo nhà. Nhiều chủ trang trại cho biết sau khi được thuần chủng, heo rừng lai còn dễ nuôi hơn cả heo nhà.
Anh Trần Văn Công, chủ cơ sở nuôi heo rừng ở ấp Bà Tứ, xã Cây Trường (huyện Bến Cát, Bình Dương), cho biết cách làm khá phổ biến của người nuôi là cho heo rừng đực lai với heo cái mọi cho ra thế hệ thứ nhất (F1). Heo lai F1 này sẽ tiếp tục cho lai với heo rừng gốc để sinh ra thế hệ F2. Thế hệ F2 sẽ tiếp tục lai với heo rừng gốc để cho ra heo rừng thuần chủng đến 90%.
Anh Chín Bùi, chủ trang trại chăn nuôi Chín Định (huyện Bến Cát, Bình Dương), cho biết heo rừng lai từ tám tháng tuổi là có thể cho phối giống, lứa đầu chúng chỉ đẻ 3-4 con nhưng từ lứa thứ hai trở đi mỗi lần đẻ được 7-8 con.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng – ủy viên ban chấp hành Hội Nông dân VN, mô hình nuôi heo rừng lai có thể nhân rộng và phát triển ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Cương, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, khuyến cáo để đảm bảo tính hợp pháp của vật nuôi hoang dã, người nuôi nên đăng ký với cơ quan kiểm lâm địa phương về nguồn gốc vật nuôi.
THU THẢO
Theo Tuổi trẻ