Nuôi thành công cá hồi trên núi Đạ Chais

Nuôi thành công cá hồi trên núi Đạ Chais

Đưa giống cá hồi có nguồn gốc tận Bắc Âu về nuôi thành công ở thôn K’long K’lanh, xã Đạ Chais, Lạc Dương, vùng đất có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đúng là kỳ tích mà tỉnh Lâm Đồng đã làm được.

Cá hồi “K’long K’lanh”

Trại cá hồi chỉ cách trung tâm Đà Lạt chừng 55 km, nằm trên tỉnh lộ 723 nối thành phố Đà Lạt với TP Nha Trang. Tiếp chuyện chúng tôi là anh Nguyễn Viết Thuỳ – Kỹ sư thuỷ sản, Trạm trưởng trạm nghiên cứu thực nghiệm nuôi cá Quảng Hiệp (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3), người trực tiếp triển khai, thực hiện dự án nuôi cá nước lạnh (do Sở NN&PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư).

Nuôi thành công cá hồi trên núi Đạ Chais

Cá hồi trưởng thành – niềm hy vọng nhân rộng cho người dân Lạc Dương (Ảnh: TP)

Anh Thuỳ cho biết, hành trình đưa trứng cá hồi vân hay còn gọi là cá hồi ráng (tên khoa học là Onchorynchus Mykis) từ Phần Lan giá lạnh về để nuôi thành cá thương phẩm ở Việt Nam là cả một quá trình đầy gian nan.

Ban đầu, phải nhập trứng về rồi ấp trứng nở, sau đó ươm giống và cuối cùng là đưa ra hồ nuôi thương phẩm. Hiện nay ở Lâm Đồng mới chỉ thực hiện được 2 công đoạn, đó là ươm giống và nuôi thương phẩm. Còn công đoạn ấp nở trứng được thực hiện tại Sa Pa.

Sa Pa là địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai dự án nuôi cá hồi vào đầu năm 2005. Sau khi địa phương này thử nghiệm thành công nuôi cá hồi, sự hấp dẫn của nó đã khiến lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng những cộng sự của mình, trực tiếp ra Sa Pa vào cuối năm 2005 để ngắm nhìn mô hình nuôi cá hồi của người Lào Cai.

Sau đó, quyết tâm đem vào Lâm Đồng để nuôi thử nghiệm loại cá đầy triển vọng phát triển kinh tế này. Điều này không phải không có cơ sở khi mà Lâm Đồng còn có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với Sa Pa về điều kiện tự nhiên, khí hậu…

Tháng 4/2006, gần 20.000 con cá hồi giống 2 tuần tuổi đã được vận chuyển qua đường hàng không và đường bộ từ Sa Pa vào nuôi tại Đạ Chais. Đến nay, sau 2 năm thử nghiệm, việc nuôi cá hồi đã cho kết quả thành công ngoài mong đợi.

Ngành thuỷ sản Lâm Đồng phối hợp với Cty TNHH Hoàng Phố ở TPHCM nuôi thử nghiệm cá hồi trên dòng suối nước lạnh Đạ Mưng, trọng lượng cá đạt bình quân 1,2 kg/con, năng suất ước đạt 30 tấn/ha, tỷ lệ sống từ giai đoạn ươm giống cho đến thành phẩm đạt 76,8%. Hiện tại, chi phí để nuôi cá hồi thành phẩm mất từ 63.000 – 67.000/kg và giá bán cá hồi thương phẩm tại hồ nuôi ở Đạ Chais là 150.000/kg.

Theo tính toán của anh Thuỳ, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, người nuôi sẽ có lãi 30 – 40%. Hiện đã có khoảng 10 nhà hàng, khách sạn lớn ở Đà Lạt, TPHCM tiêu thụ cá hồi vân nuôi ở Đạ Chais, nhưng nguồn “cung” vẫn chưa xứng với “cầu”.

Cá hồi thành món bình dân

Nuôi thành công cá hồi trên núi Đạ Chais

Trại cá hồi tại thôn K’long K’lanh, ở Đạ Chais (Ảnh: TP)

Từ kết quả rất khả quan và đầy triển vọng của nghề nuôi cá hồi, theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, hiện có rất nhiều Cty đang về lập dự án nuôi cá hồi tại K’long K’lanh, hồ Tuyền Lâm và hồ Đa Nhim như Cty Hoàng Phố (đầu tư 5 tỷ đồng), Cty Hà Quang ở TPHCM đầu tư 8 tỷ đồng, Cty 7/5 đầu tư 44 tỷ đồng…

Đặc biệt, Viện Nuôi trồng thuỷ sản 3 cũng đã lập dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh tại Lâm Đồng với kinh phí 15 tỷ đồng.

Theo dự kiến, đến năm 2010 Lâm Đồng sẽ có 50 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay vì phải nhập khẩu từ Phần Lan và Nga như hiện nay.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.500 tấn cá hồi từ Phần Lan và Nga. Dự án nuôi cá hồi vân ở Lâm Đồng thành công đang mở ra nhiều triển vọng và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn phải nhập khẩu và món cá hồi sẽ trở nên phổ biến ở khắp mọi miền đất nước.

Một chuyên gia về nuôi trồng thuỷ sản Lâm Đồng nhận định, cá hồi có thể sinh sống và phát triển tốt ở các vùng Lạc Dương, Đam Rông, khu vực gần Đưng K’Nớ, và một số nơi ở thành phố Đà Lạt – nơi có những dòng suối nước lạnh.

Hiện nay giá cá hồi ở Việt Nam còn cao do chưa chủ động được giống, thức ăn phải nhập từ Phần Lan. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên nuôi trồng thuỷ sản I (Bộ NN&PTNT), cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008, Viện sẽ chủ động được nguồn giống. Ngoài ra, việc nghiên cứu chế biến, sản xuất thức ăn cho cá cũng đang được triển khai tích cực.

Và nếu việc này thành công, giá cá hồi bán ra thị trường sẽ rẻ hơn rất nhiều. Khi đó, không chỉ những “thượng đế” giàu có, lắm tiền mới có thể ăn cá hồi mà ngay cả ở những người dân bình thường cũng có thể thưởng thức…

Theo một chuyên gia về cá nước lạnh, nuôi cá hồi đòi hỏi chế độ nuôi rất khắt khe, vốn đầu tư lớn, chăm cá còn vất vả hơn cả chăm em bé. Nhiệt độ nước trong ao, hồ luôn phải dưới 20 độ C. Nước trong ao, hồ cần phải có hàm lượng ô xy hoà tan luôn phải đảm bảo đạt từ 5,5 – 7mg/l, tối thiểu cũng phải là 3,5mg/l.

Vì thế, ngoài chế độ nước phải thường xuyên chảy, lưu thông phải kèm theo một tiêu chí nữa là nước phải sạch, ở thượng nguồn các suối. Hàng ngày, cứ nửa giờ lại phải ra thăm hồ một lần, bất kể trời mưa bão hay nắng gió. Chất thải của cá chỉ là chất xơ nên gần như không ảnh hưởng đến môi trường.

Lê Nguyễn – Trung Đức

 

Theo Tiền phong