Ở hầu hết các loài, chung thủy chỉ là điều tưởng tượng

Ở hầu hết các loài, chung thủy chỉ là điều tưởng tượng

By NATALIE ANGIER

Thật thú vị là không phải chỉ có những người đàn ông ưa mạo hiểm thừa thãi hoocmon testosterone mới thích những cuộc phiêu lưu tình ái. Hành động này đã có từ rất lâu trong hàng chục nghìn loài sinh vật khác, xuất hiện ở cả con đực và con cái trên từng nhánh nhỏ của cây sự sống.

Sự lang chạ xảy ra rất phổ biến trong thiên nhiên. Bốn chữ “chung thủy đích thực” có lẽ chỉ là một điều có trong tưởng tượng. Ở động vật, con đực và con cái sống chung với nhau để nuôi nấng con non, cũng như chúng ta. Điều đó tạo nên sợi dây liên kết giữa cặp bố mẹ, hình thành khả năng chịu đựng đáng kinh ngạc và những tình cảm dành cho nhau. Để khẳng định lại mối quan hệ, các con vật thường dành hàng giờ bên nhau và thể hiện những hành động âu yếm. Đôi chuột đồng thì rúc vào nhau, những con vượn hát những bài tình ca, còn những con chim điên chân xanh lại nhảy những điệu vũ vụng về.

Tuy nhiên bằng phương pháp phân tích ADN, các nhà sinh học mới đây đã khám phá ra rằng quan hệ xã hội một bố một mẹ rất hiếm khi đi cùng với chung thủy trong sex và di truyền. Khi tiến hành xét nghiệm với các con non trong một lứa ở loài chim, chuột đồng, linh trưởng, cáo hay bất kì loài vật sống theo đôi nào, có khoảng 10 – 70% con non có ông bố “hàng xóm” chứ không phải ông bố đang chăm sóc chúng.

Giáo sư David P. Barash chuyên ngành tâm lý học thuộc đại học Washington tại Seattle đã có nhận xét khá tinh tế: Trẻ nhỏ có thời thơ ấu, còn người lớn có khi ngoại tình. Tiến sĩ Barash đã viết cuốn “Bí ẩn hôn nhân một vợ một chồng” cùng với vợ ông – bà Judith Eve Lipton – cũng là một chuyên gia tâm thần học. Tiến sĩ Barash có trích dẫn một cảnh trong bộ phim “Heartburn” trong đó nhân vật Nora Ephronesque phàn nàn với bố về tính lăng nhăng của chồng; ông bố đã trả lời đầy châm biếm: “Nếu con muốn được chung thủy thì lẽ ra con nên cưới một con thiên nga.” Nhưng hiện chúng ta đã biết cả những con thiên nga cũng không hề chung thủy. Thay vào đó, có lẽ Nora nên tìm đến loài giun dẹp Diplozoon paradoxum sống trong mang cá nước ngọt, “con đực và con cái sẽ tìm đến với nhau khi đến tuổi trường thành, cơ thể chúng sẽ dính vào với nhau và sống chung thủy như thế cho đến khi chết”. Tiến sĩ Barash cho biết: “Đó là loài vật duy nhất tôi được biết sống chung thủy 100% với bạn đời”. Nơi những trái tim thủy chung duy nhất bừng cháy lại thuộc về con cá vật chủ xấu số.

Ở hầu hết các loài, chung thủy chỉ là điều tưởng tượng

Các nhà khoa học thuộc đại học Adam Mickiewics và đại học Nam Bohemia đã mô tả trên tờ Animal Behaviour sự trao đổi ở loài chim bách thanh màu xám lớn. Những con chim giống ăn thịt đẹp mã với bộ áo choàng màu bạc, cái bụng trắng và đuôi đen, cũng giống như 90% các loài chim, đều kết đôi để sinh sản. Con chim đực mang đến cho bạn tình của nó những món “quà cưới”, đó có thể là những con vật loài gặm nhấm, thằn lằn, những con chim nhỏ hoặc những con côn trùng lớn được chúng xiên vào một cái que. Nhưng khi con đực muốn được thỏa mãn ngoài giờ, nó sẽ không ngần ngại mang đến cho cô bồ một món quà thậm chí còn to hơn món quà dành cho bạn đời của nó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, món quà càng có giá trị, cơ hội con cái đồng ý thực hiện cuộc chơi càng lớn.

Một bài viết khác có tiêu đề “Trả tiền cho sex ở loài khỉ” trên tờ Animal Behaviour do Michael D. Gumert thuộc đại học Hiram thực hiện, đã đưa ra những kết quả nghiên cứu trong vòng 2 năm về một nhóm khỉ đuôi dài sinh sống gần khu du lịch sinh thái Rimba tại công viên quốc gia Tanjung Puting (Indonesia). Tiến sĩ Gumert đã xác định được rằng khỉ đực trả công cho bạn tình bằng một hành động mang đầy đủ ý nghĩa quan trọng và rất phổ biến ở loài linh trưởng: Chải lông. Ông nhận thấy, trong khi khỉ cái chải lông cho khỉ đực hoặc những con cái khác vì lý do xã hội nhằm xác nhận mối quan hệ của chúng hoặc để làm thân với con có ưu thế. Con mẹ chải lông cho con con để dỗ dành và giữ chúng sạch sẽ. Còn khi con đực dành thời gian để nhặt những con vật kí sinh trên người một con cái trưởng thành, nó mong muốn được trả công bằng sex hoặc ít nhất thì nó cũng được gần gũi với con cái. Tiến sĩ Gumert đã quan sát những lần con đực chải lông cho con cái, trong một cuộc phỏng vấn tại đại học công nghệ Nanyang (Singapore) ông cho biết: 89% trong số những lần quan sát “đều nhằm đến đối tượng là những con cái có khả năng giao phối” do đó con đực sẽ có cơ hội nhiều hơn.

Ở hầu hết các loài, chung thủy chỉ là điều tưởng tượngĐặc biệt là những con đực thay đổi hành động chải lông của nó theo một phương thức kinh tế khác biệt, việc trả giá cao hơn hay thấp hơn phụ thuộc vào tính sẵn có cũng như chất lượng của sản phẩm và mức độ cạnh tranh của những người mua khác. Tiến sĩ Gumert cho biết: “Điều khiến tôi nghĩ hành động chải lông giống như một hình thức chi trả là việc quan sát thấy hành động đó biến đổi như thế nào trong những môi trường khác nhau. Khi có ít con cái, con đực sẽ chải lông lâu hơn. Khi có nhiều con cái, thời gian chải lông sẽ bị rút ngắn”. Con đực cũng chải lông cho những con cái giữ vị trí cao trong đàn lâu hơn đáng kể so với thời gian chúng dành cho những con cái có vị trí thấp.

Mặc dù hiện tượng “ngoại tình” rất phổ biến, các loài vật cũng đều thích thú, say mê khi có cơ hội, nhưng không một cá thể nào lại chấp nhận điều đó với bạn đời của mình. Con người cũng không phải là loài duy nhất cảm thấy bị xúc phạm khi bạn đời của mình có trót “lăng nhăng”. Phần lớn những con khỉ đầu chó cái cũng phải hy sinh nửa cái tai ở chỗ này, hay một miếng da ở chỗ kia khi đụng đầu con khỉ cái nhiều răng hơn, to lớn hơn và lại còn đang nổi cơn tam bành nữa. Đối với loài bọ hung, con đực và con cái sống chung với nhau để xây dựng gia đình, chúng thu nhặt phân và lăn những cục phân gom thành một khối lớn để con cái đẻ những quả trứng đã được thụ tinh của nó vào. Con đực có thể chớp cơ hội này mà tán tỉnh một hoặc hai con cái khác. Tuy nhiên làm thế có nghĩa là nó đang đùa với tính mạng của mình.

Trong một nghiên cứu với những con bọ hung đã có bạn đời, con bọ hung cái bị buộc bằng dây ở gần bạn đời của nó. Con đực nhanh chóng chớp cơ hội tiết pheromon mời gọi những con cái khác. Ngay sau khi được giải thoát khỏi sợi dây trói, con cái lao ngay vào con đực và đánh ngã nó không thương tiếc. Tiến sĩ Barash cho biết: “Ngay lập tức con cái lăn bạn đời của nó vào quả bóng phân, và thế cũng coi như một hình phạt thích đáng”.

Trong trường hợp những con kì giông lưng đỏ, cả con đực và con cái đều có khuynh hướng muốn kiểm soát bạn đời. Chúng sẵn sàng trừng phạt nếu nghi ngờ bạn đời mình lầm đường lạc lối. Hình phạt có thể là những hành động đe dọa như cắn vào miệng hoặc họng. Nhưng tàn nhẫn hơn cả là việc chấm dứt mối quan hệ. Hãy cảnh giác vì điều đó có thể xảy ra với chính bạn.

 

Theo Trà Mi (The New York Times)