Cân nặng là một yếu tố quan trọng đối với trẻ sơ sinh khi vừa lọt lòng mẹ. Những trẻ có cân nặng quá thấp thường đối diện với nguy cơ phát triển chậm, kém thông minh và nhiều bệnh tiềm ẩn về sau này. Mới đây, một kết quả nghiên cứu 3 năm tại Bắc Kinh cho thấy ô nhiễm không khí có thể tăng tỷ lệ trẻ nhẹ cân trước khi chào đời.
Tại Bắc Kinh, ô nhiễm không khí gây giảm cân nặng thai nhi
Rất dễ để nói ô nhiễm gây ra các tác động xấu lên sức khoẻ con người. Song cụ thể là những ảnh hưởng gì và mức độ như thế nào thì chúng ta cần phải có những nghiên cứu khoa học chính xác. Không may là những kết quả nghiên cứu lần này lại dựa trên những người sống thật sự, dấy lên hồi chuông báo động cho cán cân kinh tế – môi trường.
Sinh thiếu cân nặng có thể gây ra các ảnh hưởng về lâu dài
Những người hoài nghi sẽ hỏi – làm sao chúng ta biết chắc chắn sự nhẹ cân đến từ ô nhiễm không khí? Điều kiện dinh dưỡng của bà mẹ cũng có thể là nguyên nhân. Sức khoẻ kém của bà mẹ cũng có thể là nguyên nhân. Bà mẹ có thể là dân nhập cư từ vùng có chất lượng y tế kém hơn đến ở, hoặc cũng có thể vì không “tin tưởng” chất lượng bệnh viện của tỉnh nhà?
Câu trả lời đến từ “sự tình cờ” của chính quyền Bắc Kinh khi đất nước 1,35 tỷ dân đăng cai tổ chức 2 sự kiện thể thao Olympics 2008 và Paralympics diễn ra trong cùng năm. Vì “tiếng xấu” ô nhiễm không khí, ban tổ chức Trung Quốc cố gắng cải thiện hình ảnh thủ đô của mình bằng cách đặt ra nhiều quy định như hạn chế sử dụng xe cộ, đóng cửa một số nhà máy cũng như tạm ngưng xây dựng các công trình mới trong suốt thời gian 6 – 7 tuần trong thời điểm diễn ra sự kiện.
Và những “thiệt hại kinh tế” trên cũng được đền đáp, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí Bắc Kinh giảm đi đáng kể, SO2 giảm 60%, CO giảm 48%, NO2 giảm 43%. Thủ đô này không còn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới (thủ đô Ấn Độ “thăng hạng” ngay sau đấy). “Thanh danh” người Trung Quốc được phục hồi phần nào.
Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng giảm thiểu ô nhiễm trong 2 kỳ thế vận hội
Nhưng điều quan trọng hơn là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Y tế thuộc ĐH Rochester (URMC). Họ thu thập số liệu thai nhi của 83.672 phụ nữ có thai 8 tháng ở 4 quận nội thành Bắc Kinh trong 3 năm 2007 – 2008 – 2009 (tại các tháng tương ứng với 2 sự kiện thể thao). Và họ nhận ra cân nặng trung bình của các trẻ sinh ra trong 2008 cao hơn 23 gram so với các trẻ của 2007 và 2009. Cần lưu ý sau khi diễn ra 2 sự kiện thể thao, các quy định hạn chế ô nhiễm đã được Bắc Kinh bãi bỏ vì “mục tiêu kinh tế”.
Kết quả trên chính là câu trả lời cho những ai hoài nghi sự liên hệ của ô nhiễm không khí với cân nặng trẻ sơ sinh. Và điều quan trọng hơn là những tháng cuối cùng của thai kỳ là giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển của bào thai, đặc biệt là sự phát triển của hệ thần kinh, hệ tim mạch cũng như cấu trúc xương. Sự phát triển không đầy đủ sẽ dẫn đến các rủi ro đã nêu ở trên.
Song kết quả nghiên cứu này cũng đặt ra cho chúng ta một bài toán kinh tế khác – lợi ích kinh tế về lâu dài là gì? Junfeng Zhang, ThS. tại ĐH Duke Kunshan, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: “Trong khi sự ô nhiễm của Bắc Kinh rất ‘nổi tiếng’ thì nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đang đối mặt với các vấn đề tương tự. Nghiên cứu này cho thấy rằng việc kiểm soát ô nhiễm – ngay cả trong thời gian ngắn (6 – 7 tuần như Bắc Kinh đã làm) – cũng có thể mang lại những lợi ích cho sức khoẻ cộng đồng“. Tuy vậy, câu hỏi thực tế là chúng ta có thể hạn chế “phát triển kinh tế” trong thời gian bao lâu?
Nhưng mọi thứ trở về chỗ cũ ngay sau đấy
Một điều chắc chắn là mọi quốc gia sẽ không thể ngưng phát triển kinh tế trong vòng vài tháng, chứ đừng tính tới vài năm hay vài chục năm. Điều này đồng nghĩa với việc ô nhiễm không thể bị ngưng mà chỉ có thể chuyển địa điểm từ nơi này tới nơi khác, ví dụ các nước phương Tây chuyển nhà máy sang các quốc gia phương Đông. Và không chỉ sản xuất ra hàng hoá, các nền kinh tế còn cần năng lượng cũng như giao thông vận tải để giữ cho cỗ máy của mình vận hành. Thử ví dụ như các panel quảng cáo chạy 24/7 hay các chuyến xe đưa hàng từ thành phố này tới thành phố khác, các chuyến vận tải biển giữa quốc gia này hay quốc gia khác, các chuyến bay…
Nên xét cho đơn giản, chúng ta không thể ngưng ô nhiễm vì cuộc sống của chúng ta lệ thuộc vào nó!
Và nhiều nơi khác cũng như thế
Nhưng hãy nhìn rộng hơn, đến thế hệ con và cháu của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu thế hệ tương lai có nhiều người bệnh và sức khoẻ kém hơn thế hệ hiện tại? Chúng ta đều biết con người vừa là lực lượng tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng vừa là lực lượng sản xuất. Nếu thế hệ tương lai có sức khoẻ kém, giả dụ thay vì lao động được liên tục 30 năm thì chỉ còn 15 – 20 năm, vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta đã quá tuổi lao động trong khi con chúng ta cũng mất sức lao động nốt? Vậy ai sẽ là người làm ra tiền nuôi cả nhà, cháu chúng ta khi chúng chỉ mới đi học cấp 2, cấp 3 chăng?
Cho Trái Đất một bàn tay? Không, cho chính chúng ta một bàn tay!
Và đấy là chưa đề cập đến chi phí khám chữa bệnh. Sức khoẻ kém hơn đồng nghĩa với rủi ro bị bệnh tật nhiều hơn. Ví dụ như bệnh tim mạch hoặc ung thư hoặc lao phổi hoặc tiểu đường hoặc cao huyết áp… Nếu tương lai là như thế, liệu chúng ta có thể còn mơ tới iPhone hay Galaxy?
Chúng ta “phát triển kinh tế” trong hôm nay nhưng liệu 20 năm sau, con cháu của chúng ta có còn gì để “phát triển”?
Theo VnReview