Dù vẫn đang mang đến những lo ngại môi trường không khác gì xe chạy xăng, những chiếc xe chạy động cơ điện vẫn sẽ là lời giải cho những vấn đề môi trường cấp bách của chúng ta.
Với lượng đơn đặt hàng lên tới mức 276.000 chiếc chỉ trong vòng hơn 1 ngày, chiếc Model 3 đã chứng minh một sự thật duy nhất: tương lai của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi toàn cầu thuộc về động cơ điện. Nhưng, cùng lúc, rất nhiều người đã lên tiếng đặt nghi vấn: liệu xe điện có thực sự “sạch” hơn xe thường?
Đáng tiếc, trong rất nhiều trường hợp, câu trả lời hiện tại đang là “Không”. Vào đầu năm nay, một bản tin do Reuters công bố cho biết mức độ gây ô nhiễm môi trường của ô tô điện tại Trung Quốc đang cao gấp 2 – 5 lần xe hơi chạy động cơ xăng. Lý do là bởi điện lưới tại đất nước này chủ yếu được cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện “bẩn”, chạy trên các loại nhiên liệu gây ô nhiễm nặng nề như than.
Trong nhiều trường hợp, xe điện không thực sự “sạch” hơn xe thường.
Đó là còn chưa kể quá trình khai thác khoáng sản để sử dụng cho pin lithium (loại pin phổ biến nhất hiện nay) cũng sẽ gây ra những tác hại trầm trọng. Khi các viên pin khổng lồ trên xe điện đi vào giai đoạn cuối của vòng đời, khả năng tái chế của chúng cũng gần như bằng 0.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng giấc mơ về một phương tiện di chuyển “sạch” của con người đã chấm dứt.
Điện lưới của chúng ta đang ngày một sạch hơn
Mức độ ô nhiễm do ô tô điện tạo ra phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện của chúng. Với tình trạng phụ thuộc vào nhiệt điện như ngày nay, sẽ là không có gì khó hiểu nếu như những chiếc xe điện tạo ra dấu chân carbon lớn gấp nhiều lần xe chạy xăng
Nhưng tình hình trên toàn cầu sẽ sớm thay đổi. Theo số lượng của năm 2013, các quốc gia lớn, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, đã đầu tư tới 214 tỷ USD vào năng lượng sạch. Một số nước đã đặt ra mục tuyên chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, và hiện tại đã có tới 30 nước đang sử dụng nguồn điện có tỷ lệ năng lượng tái tạo lên tới trên 20%.
Quyết tâm của các chính phủ cũng được các doanh nghiệp hưởng ứng. Một số tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple, Microsoft và Intel đang đặt mục tiêu sử dụng điện mặt trời cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Google hiện đang đạt tỷ lệ điện sạch ở mức 35% trong khi Apple đạt mức 93%, trong khi lượng điện sạch được Microsoft mua còn cao hơn cả 2 công ty này cộng lại. Cuối năm 2015, một loạt các tên tuổi đình đám của thế giới công nghệ như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Jeff Bezos (CEO Amazon) và Jack Ma cùng tuyên bố thành lập một liên minh đầu tư vào năng lượng sạch.
5 công ty đứng đầu nước Mỹ về mức tiêu thụ năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm 4 tập đoàn hi-tech quyền lực hàng đầu thế giới.
Sự thúc đẩy mạnh mẽ từ cả chính phủ các nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp đang đem lại những hiệu quả đáng khích lệ. Theo nghiên cứu của tổ chức REN21, vào năm 2015, năng lượng sạch đã chiếm 22,8% nguồn cung năng lượng trên toàn cầu, tăng 1,1% so với năm 2013. Mức tăng này có thể chưa làm bạn ấn tượng, nhưng rất nhiều quốc gia đã đạt tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch ấn tượng như Iceland (100%), Na Uy (98%) và Brazil (86%).
Chẳng đâu xa, tại Việt Nam, thủy điện đã chiếm 32% tổng sản lượng điện (số liệu năm 2014).
Điều này có nghĩa rằng càng ngày mức độ ô nhiễm do xe chạy điện gây ra sẽ càng giảm. Điều này sẽ diễn ra ngay cả tại các quốc gia có nguồn điện “bẩn” nhất như Trung Quốc, bởi trong 5 năm vừa qua Trung Quốc đã đóng góp tới 40% lượng điện “sạch” được sản xuất trên toàn cầu. Trong năm 2014, Trung Quốc đã đầu tư tới 90 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, cao hơn Mỹ và bất kỳ một quốc gia nào khác.
Càng ngày, điện “sạch” sẽ càng rẻ, càng tiện dụng
Mùa hè năm 2014, người dân tại Queensland, Úc bắt đầu được trả tiền để sử dụng điện lưới.
Mùa hè năm 2014, người dân tại Queensland, Úc bắt đầu được trả tiền để sử dụng điện lưới. Lý do gây ra hiện tượng ngược đời này là bởi điện mặt trời tại đây đã phổ biến tới mức chẳng còn ai dùng điện lưới chung, và các nhà máy buộc lòng phải trả tiền cho người dân sử dụng điện của mình do chi phí tắt máy phát thậm chí sẽ còn cao hơn so với khoản tiền trả cho người dân.
Cũng giống như người dân Úc, tại Trung Quốc các tấm pin năng lượng mặt trời đã giúp mang lại 70% lượng điện năng được dùng cho việc sưởi ấm nước. Mức sống trung bình tại Trung Quốc rõ ràng là không cao bằng Châu Âu và Mỹ, và sự phổ biến của điện mặt trời chỉ có ý nghĩa duy nhất: từng là một công nghệ đắt đỏ, điện mặt trời hiện nay đã trở thành một công nghệ bình dân có khả năng tiếp cận với phần đông dân số.
Dĩ nhiên đun nước nóng không phải là công dụng duy nhất của điện thái dương năng. Để điện mặt trời trở nên tiện dụng, các nhà sản xuất đang đẩy mạnh các công nghệ tích trữ điện năng cho người dùng, và người đi đầu không ai khác ngoài Tesla. Vào ngày 30/4/2015, Tesla đã ra mắt một loại pin dự trữ có tên Powerwall, dung lượng 10kWh (dùng cho mục đích bảo vệ các thiết bị khi mất điện) và 7kWh (dùng cho mục đích dân dụng). Giá thành lắp đặt hệ thống này được đặt mục tiêu là 500 USD (khoảng 11 triệu đồng), dự kiến hoàn thiện và đi vào sản xuất diện rộng trong năm 2017.
Tesla Powerwall.
Bên cạnh Tesla, các tên tuổi khác như Alevo, EOS, Greensmith hay CODA cũng đang tham gia vào cuộc đua sản xuất pin dự trữ năng lượng mặt trời. Sự tham gia đông đảo của nhiều công ty lớn sẽ mang lại những đột phá về công nghệ và giá thành, giúp cho pin dự trữ trở thành một vật dụng quen thuộc trong từng gia đình.
Những viên pin dự trữ dung lượng “khủng” này sẽ là chìa khóa giúp cho năng lượng sạch trở thành một lựa chọn khả thi cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng – xét cho cùng, bạn sẽ sử dụng các thiết bị điện trong nhà nhiều nhất vào buổi tối.
Khả năng sản xuất và lưu trữ điện mặt trời đang được phổ cập hóa, mở ra một kịch bản hết sức thú vị: trong một ngày không xa, con người có thể thoải mái di chuyển trên những chiếc ô tô chạy năng lượng điện mà không hề phải lo tới chi phí. Đây sẽ là động lực quan trọng để chúng ta thay thế hoàn toàn những chiếc xe xăng gây ô nhiễm bằng những chiếc xe điện sạch 100%.
Sẽ có ngày chiếc xe của bạn chẳng tốn của bạn một xu chi phí nào cả.
Thậm chí, khi các tòa nhà cao tầng đang đua nhau lắp đặt tấm nền thu năng lượng mặt trời, nhân viên công sở hoàn toàn có thể nghĩ tới viễn cảnh sạc xe khi đang gửi dưới hầm/trong bãi đỗ xe. Nỗi lo về quãng đường sẽ bị xóa bỏ.
Ít nhất thì bạn vẫn sẽ có đô thị sạch hơn
Nếu không thể bảo vệ môi trường, xe điện vẫn góp phần bảo vệ sức khỏe con người tốt hơn trước.
Lợi ích không thể chối cãi của động cơ điện là ở chỗ chúng sẽ không xả CO2 và các loại khói độc khác ra môi trường đô thị, vốn luôn có tỷ lệ tập trung dân cư rất cao. Lượng khói bụi do xăng xe tạo ra sẽ chuyển thành khói than tại nơi đặt nhà máy.
Kịch bản này vẫn là tốt hơn, bởi rõ ràng là giải quyết bài toán cây xanh tại đô thị rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều so với bài toán cây xanh tại các khu vực biệt lập dùng để xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Hàng dài người đứng đợi Model 3 cho thấy chúng ta đã thực sự lựa chọn xe điện làm lời giải cho tương lai.
Nói tóm lại, dù cho những chiếc ô tô điện ngày nay chưa thực sự thân thiện với môi trường như mong muốn, chúng vẫn nắm tương lai tất yếu của loài người. Cũng chính bởi vậy mà những chiếc xe điện giá “mềm” như Model 3 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: đây chính là phát súng khai mạc cuộc đua tới một tương lai sạch và an toàn hơn cho con người. Có cầu thì cũng sẽ có cung: thành công ban đầu của Model 3 chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện chuyển sang hướng ngày một thân thiện với môi trường hơn để tận dụng lòng tin của người tiêu dùng.
Càng ngày, điện “sạch” sẽ càng rẻ và càng phổ biến. Những chiếc xe điện sẽ thực sự trở thành những chiếc xe “xanh”. Và đó sẽ là di sản lớn nhất của một chiếc xe có giá chỉ 35.000 USD như Model 3.
- Elon Musk công bố tương lai của lái xe trong 90 giây
- Quảng cáo xuất sắc của Tesla khiến hàng triệu người phải suy nghĩ
- Tesla Model 3 chính thức ra mắt, đi được 346km/1 lần sạc, giá 35.000$
Theo Trí Thức Trẻ