Đàn ong có thể biến thành một đám hỗn loạn khi con ong chúa chết, và các con ong thợ sẽ vứt bỏ thói quen thông thường của mình để hưởng thú vui khoái lạc.
Sự vắng mặt của ong chúa khiến các con ong thợ từ bỏ vai trò thông thường của mình là kiểm soát hành vi sinh sản của cả bầy, khiến chúng trở nên dễ bị tấn công bởi ong ký sinh ở bầy đàn khác.
Nhưng ít nhất những con ong thợ cũng chết vì sung sướng trong tình trạng hỗn độn này. Trước khi cả đàn bị tan vỡ, ong thợ sẽ giao phối vô độ với mục đích tạo ra một thế hệ con đực cuối cùng để duy trì nòi giống.
Giáo sư Benjamin Oldroyd tại Đại học Sydney, Australia, và các cộng sự người Thái đã tìm hiểu điều gì xảy ra khi một đàn ong mật châu Á (Apis florea) bị mất đi con đầu đàn.
Họ tìm thấy số lượng ong thợ ngoại bang (ký sinh) tăng gấp đôi. Gần một nửa số ong ký sinh này có buồng trứng hoạt động, so với 1/5 ong thợ bản địa.
“Việc kiểm soát ong thợ là điều thiết yếu để duy trì sự cân bằng sinh sản và bảo vệ tập đoàn trước những con ong ký sinh từ đàn khác. Nhưng để duy trì nòi giống khi ong chúa chết, chúng bị thôi thúc từ bỏ vai trò kiểm soát để đẻ trứng của chính mình”, Oldroyd nói.
Chính sách kiểm soát ở ong, được phát hiện vào năm 1989, có nghĩa là nếu ong thợ bắt đầu đẻ trứng, trứng của chúng sẽ bị ăn mất. Nhưng ong thợ mất chủ sẽ đối mặt với nguy cơ tận diệt nếu chúng không tạo ra ong chúa mới từ một trong những chị em của mình, hay tạo ra lứa con đực cuối cùng để phối giống với ong chúa khác.
“Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi đàn ong là một xã hội cân bằng phức tạp mà chỉ hiệu quả bởi chính sách kiểm soát hành vi ong thợ. Một khi chính sách đó bị loại bỏ, đàn ong tan vỡ”, Oldroyd nói.
M.T. (theo ABC Online)
Theo VnExpress