Phát hiện mới nâng tổng số cách mà ong dùng để đối phó kẻ thù lên thành 3, bao gồm: đốt – đồng nghĩa với việc ong tự sát, hun nhiệt kẻ khác, và quây cho đối phương chết ngạt.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi hiểu được chi tiết chiến lược phòng vệ kỳ lạ này, ở đó những con ong mật Cyprian quây lấy con ong bắp cày Oriental và khiến cho nó chết ngạt”, Gerard Arnold từ Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho biết.
Từ lâu, người ta đã biết rằng những con ong mật châu Á giết kẻ thù ong bắp cày bằng kỹ thuật quả-bóng-nhiệt: một đàn ong sẽ quây lấy kẻ khốn khổ, làm thân nhiệt của nó tăng lên tới mức tử vong. Nhưng ong mật Cyprian không làm thế.
Alexandros Papachristoforou từ Đại học Aristotle ở Hy Lạp và cộng sự đã quay các đoạn băng video cảnh ong mật giết ong bắp cày. Họ nhận thấy ong mật ép lên bụng của kẻ xấu số, vì thế đã sắp đặt một thí nghiệm để kiểm chứng liệu có phải ong mật đang làm ngạt đối phương.
Ong mật đang làm ngạt ong bắp cày, bằng cách bịt lỗ thở trên bụng chúng. (Ảnh: Newscientist) |
Ong bắp cày hô hấp thông qua các lỗ thở trên bộ xương ngoài, được đậy bởi một cấu trúc có tên gọi tergite. Dùng nhíp tí hon, các nhà khoa học đã chống cho các tergite luôn mở bằng các mảnh nhựa nhỏ.
“Khi ấy, lũ ong mật phải tốn rất nhiều thời gian mới giết được những con ong bắp cày có gắn các mảnh nhựa nhỏ so với con không gắn”, các nhà nghiên cứu phát hiện.
“Để giết được những con ong bắp cày đã có thân nhiệt cao sẵn, ong mật Cyprian phải phát triển một chiến lược mới thay cho cách quả-bóng-nhiệt. Chúng dường như đã tìm ra gót chân Achilles của ong bắp cày”, các tác giả kết luận.
T. An
Theo Reuters, Vnexpress