Lần đầu tiên quốc tế có một tính toán về hậu quả của sự phá hủy môi trường. Giá phải trả cho việc tàn phá thiên nhiên đến năm 2050 có thể lên đến 2 nghìn tỷ euro.
Lý lẽ đạo đức cho việc bảo vệ tự nhiên rất nhiều. Nhưng từ trước đến nay vẫn thiếu những tính toán cụ thể thành tiền cho những mất mát đa dạng sinh học. Ông Pavan Sukhdev- Trưởng phòng Thị trường toàn cầu của Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) – đang cố gắng lấp chỗ trống này, trong vai trò mà các quốc gia G8 giao cho.
Những kết quả tính toán mới nhất vừa được ông công bố tại hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học diễn ra tại Bonn trong hai tuần qua.
Theo đó, nếu như cứ tiếp tục phá rừng không kìm chế, tổng sản phẩm quốc nội đến năm 2050 của toàn thế giới sẽ ít hơn 6% so với trường hợp bảo tồn rừng – tương ứng với 2 nghìn tỷ euro. Nếu tình trạng mất mát về đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn cho đến năm 2050, giá trị mất mát sẽ tương ứng với giảm tiêu dùng 7% trên toàn thế giới.
Cũng theo Sukhdev, phí tổn để xây dựng và bảo trì một hệ thống bảo vệ tất cả các hệ sinh thái trên toàn thế giới là tròn 45 tỷ USD hằng năm. Nhưng lợi nhuận do hệ thống này mang lại lên đến 4,4 đến 5,2 nghìn tỷ USD. Trong đó, vùng bảo tồn thiên nhiên tại các nước đang phát triển rẻ gấp 10 lần so với tại các nước công nghiệp.
Việc quy định những vùng bảo tồn biển chiếm 20% tổng số diện tích biển sẽ làm cho ngành đánh cá thất thu 270 triệu USD hằng năm. Đồng thời, do tránh được việc đánh bắt cá thái quá nên có thể bảo đảm được nguồn thu nhập từ đánh cá về lâu dài là 70 đến 80 tỷ USD mỗi năm.
Ngành du lịch thu hằng năm hơn 1 tỷ USD qua việc du khách ngắm cá voi. (Ảnh: DPA) |
Du khách chi hằng năm 2,3 triệu euro trên đảo Mull của Scotland để xem loài chim đại bàng biển. (Ảnh: DPA) |
Một số dữ liệu từ bản báo cáo của ông Sukhdev:
– Giá trị của những khu rừng đước và vùng đầm lầy ngập nước bảo vệ khu vực bờ biển tại Mỹ là 1.000 USD cho mỗi một hecta, ở Malaysia là 845 USD trên một hecta.
– Việc ong tự nhiên thụ phấn chỉ tính riêng cho cây cà phê có giá trị là 361 USD trên một hecta trồng.
– Giá trị của Vườn quốc gia Masoala ở Madagascar cho việc sản xuất dược phẩm, chống xói mòn, du lịch và lâm nghiệp là 11 triệu USD. Thêm vào đó là 105 triệu USD cho việc hấp thu khí CO2 của vườn.
– Tại Uganda đã xảy ra mâu thuẫn do bảo tồn thiên nhiên đồng nghĩa với việc mất thu nhập của người dân địa phương. Hiện nay, 20% thu nhập phát sinh từ những vùng bảo tồn đó được chuyển đến cho người dân của những làng lân cận, qua đó mà họ đã tự quan tâm đến việc bảo vệ sự đa dạng sinh học.
– Costa Rica đang phát triển một phương pháp xác định giá trị sử dụng những vùng bảo tồn thiên nhiên để yêu cầu giúp đỡ tài chính. Phí tổn bảo vệ các vùng bảo tồn thiên nhiên sẽ được trang trải bằng số tiền này.
Theo Phan Ba (theo Spiegel Online, VnExpress)