Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science đã chỉ rõ tình trạng chặt phá rừng ở Brazil đang làm cho cây sản sinh ra những hạt giống nhỏ, yếu và ít có khả năng tái sinh hơn.
Nhóm nghiên cứu tin rằng việc các loài chim lớn, nhất là các loài mỏ lớn có thể ăn và phát tán hạt, rời bỏ rừng là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Ông Pedro Jordano thuộc Trạm Sinh học Donana tại Seville (Tây Ban Nha), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Một trong những bất ngờ lớn của chúng tôi là làm thế nào phá rừng có thể ảnh hưởng nhanh chóng đến sự biến mất của động vật và sự phát triển của thực vật chỉ trong một vài thế hệ như vậy”.
Nhóm nghiên cứu tin rằng việc các loài chim lớn, như tu-căng, rời bỏ rừng là nguyên nhân chính làm cho hạt giống thực vật bị teo nhỏ.
Rừng mưa Atlantic ở Brazil từng là ngôi nhà chung của rất nhiều loài động, thực vật. Thế nhưng sự xuất hiện của các đồn điền mía và cà phê vào đầu thế kỷ XIX đã khiến nơi này từng bước bị tàn phá. Cho đến nay, toàn khu vực chỉ còn sót lại 12% rừng nguyên sinh.
Để đánh giá tác động của nạn phá rừng lên sự phát triển của hệ thực vật, các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 9.000 hạt giống được thu thập từ các cây cọ trong rừng.
Quan sát cho thấy hạt cây được lấy từ vùng rừng bị phá hủy nặng nề nhỏ hơn nhiều so với hạt lấy từ vùng rừng không bị tàn phá.
Nhóm nghiên cứu đã cân nhắc một loạt yếu tố có thể dẫn tới tình trạng này, như khí hậu, độ màu mỡ của đất và độ che phủ của rừng. Song, họ không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh những yếu tố trên gây ảnh hưởng đến hạt giống thực vật mà nhận ra rằng yếu tố chủ yếu gây ảnh hưởng là sự biến mất của các loài chim ăn quả lớn.
Thường thì các loài chim như tu-căng, cotinga hay sử dụng chiếc mỏ lớn của mình để ăn quả rồi phát tán hạt khắp cánh rừng. Nhưng khi diện tích rừng bị thu hẹp, các loài chim này đều lũ lượt bỏ đi, chỉ còn lại những loài chim nhỏ hơn như chim hoét.
Kết quả là cây cối trong rừng phải thích ứng bằng cách tạo ra quả nhỏ hơn cho phù hợp với những loài chim mỏ nhỏ để hạt cây dễ được phát tán hơn.
“Vấn đề ở chỗ kích cỡ hạt càng nhỏ đồng nghĩa với khả năng phát triển cây mới càng giảm đi, bởi hạt giống nhỏ rất khó nảy mầm, lại dễ bị chết khi gặp môi trường khô hạn hoặc bị các loài nấm tấn công, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ khiến rừng mưa trở nên khô, nóng hơn và hạt giống thực vật ít có khả năng tồn tại hơn” – ông Jordano nói.
Ông cho biết thêm phát hiện của nhóm sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực rừng Atlantic mà còn có xảy ra với nhiều vùng rừng nhiệt đới khác trên thế giới, nơi mà chim tu-căng, heo vòi, khỉ cùng nhiều loài chim và động vật có vú khác đang dần biến mất.
Theo Thiennhien