Nhóm các nhà khoa học thuộc Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon (Hà Nội) đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho cây mía từ chính phế thải và phụ phẩm của các nhà máy mía đường.
Tiến sĩ Lê Văn Tri, chủ nhiệm công trình cho biết công nghệ này đã xử lý toàn bộ phế thải chuyển thành phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, phục vụ thâm canh phát triển vùng nguyên liệu.
Nhờ sử dụng các phương pháp hiện đại như kính hiển vi điện tử để xác định cấu trúc gen các nhà khoa học đã phân lập, phân loại và định tên được các chủng vi sinh vật cố định nitơ cộng sinh ở cây mía, phát hiện ra vi sinh vật gần gũi với Paenibacillus polymyxa có ích cho việc sản xuất phân bón sinh học cho cây mía.
Từ công nghệ này đã hình thành được các phòng thí nghiệm chuyên sâu như vi sinh vật đất và cây trồng, thổ nhưỡng môi trường, trồng trọt để thường xuyên nghiên cứu và đưa ra các công thức phân bón phù hợp và đặc thù cho từng cây trồng dưới dạng các sản phẩm như hỗn hợp axit humic, vi sinh vật hữu ích, vi lượng.
Công nghệ có thể chuyển giao ở bất kỳ đâu với mọi trình độ kỹ thuật, đã được áp dụng ở những vùng sâu, vùng khó khăn được hỗ trợ chính sách xóa đói giảm nghèo như Thạch Thành, Lam Sơn (Thanh Hóa), Sông Con (Nghệ An), Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Tây Ninh, Biên Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk.
Đây là mô hình nghiên cứu triển khai ứng dụng, sản xuất và kinh doanh mà trước đây chưa có, có thể được áp dụng trên quy mô lớn, toàn vùng nguyên liệu của nhiều công ty. Vốn thiết bị và nhà xưởng đầu tư ban đầu từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng cho một dây chuyền có công suất từ 5.000 đến 10.000 tấn/năm, tùy cơ sở lựa chọn./.
Theo TTXVN/Vietnam+