Phần lớn nguồn nước trên thế giới bị ô nhiễm bởi nhựa siêu nhỏ

Hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa một lần nữa gióng lên khi nghiên cứu mới đây cho thấy phần lớn nguồn nước trên thế giới đều chứa các sợi nhựa.

Time Magazine hôm 6/9 cho biết, nghiên cứu mới đây của Orb Media, một tổ chức môi trường toàn cầu, chỉ ra 83% mẫu nước xét nghiệm trên thế giới có chứa các sợi nhựa siêu nhỏ.

Các mẫu nước đã được thu thập tại nhiều quốc gia trên cả 5 châu lục. Các khu vực cụ thể có tỷ lệ số mẫu nước “bẩn” khác nhau, nhưng số liệu tại tất cả các khu vực, từ Châu Âu tới Đông Nam Á, đều cho thấy tối thiểu 70% mẫu nước bị nhiễm nhựa.

Riêng tại Mỹ, số mẫu nước nhiễm nhựa lên tới 94%. Trong số các mẫu nước “bẩn” này có cả các mẫu thu được tại Tháp Trump của ông chủ Nhà Trắng và tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia.

Sợi nhựa siêu nhỏ được tìm thấy trong 83% số mẫu nước trên toàn thế giới. (Ảnh: Time Magazine).

Báo cáo của Orb Media chỉ ra các sợi nhựa siêu nhỏ xâm nhập vào nguồn nước qua nhiều con đường khác nhau. Nguồn phát tán nhựa bao gồm sợi tổng hợp trên quần áo, bụi, hạt vi nhựa trong chất tẩy rửa, cũng như các đồ vật bằng nhựa bị thải vào nguồn nước.

Với khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, vấn đề ô nhiễm sông ngòi và đại dương do nhựa và chất dẻo đang ngày càng gây quan ngại trong cộng đồng khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường.

“Có những thứ luôn gắn bó với đời sống của chúng ta và chúng tác động qua lại lẫn nhau, như nước, không khí, đất. Nếu chúng ta làm ô nhiễm một trong số những yếu tố ấy, nó sẽ gây ô nhiễm cho tất cả các yếu tố còn lại”, Sherri Mason, chuyên gia về ô nhiễm nhựa tại Đại học New York, cảnh báo.

Trước đây, lo ngại về ô nhiễm nguồn nước do nhựa chủ yếu tập trung vào tác động của ô nhiễm lên các sinh vật biển, chim biển và tác động lên chuỗi thức ăn của con người. Với các nghiên cứu mới đây, đã đến lúc chúng ta cần cảnh giác hơn trước tác động của các dạng nhựa siêu nhỏ lên sức khỏe của con người.

 

Theo Zing