Phao cứu hộ điều khiển từ xa

Phao cứu hộ điều khiển từ xa

Trên các bãi biển, thủy triều và biển động có thể kéo người đang bơi ra ngoài khơi cực nhanh. Lúc đó, các nhân viên cứu hộ không thể bơi ngay ra để cứu mà việc hạ thủy một chiếc ca nô cứu hộ lại rất mất thời gian.

Phao cứu hộ điều khiển từ xa
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)

Để giải quyết tình huống này, các kỹ sư ở Mỹ đã thiết kế một loại phao cứu sinh Emily rẻ tiền và dễ dàng tiếp cứu những người bị nạn. Loại phao này nặng khoảng 11 kg, hạ thủy chỉ mất 30 giây và có thể đạt tốc độ tối đa 39 km/giờ, có tần số radio điều khiển trong phạm vi 1,6 km, được tích hợp hệ thống quét dò tìm người bị nạn đã chìm xuống nước.

Emily hoạt động với động cơ giống thuyền cứu hộ và có thể tự lật trở lại nếu bị sóng đánh úp. Khi phao tiếp xúc được với người gặp nạn, người điều khiển trên bờ có thể giao tiếp với họ thông qua một camera và hệ thống radio hai chiều, từ đó có thể điều khiển đưa người bị nạn vào bờ an toàn, nhanh chóng.

*
***

* Phát sáng từ bên trong cơ thể

Các nhà sinh vật học của Viện Hải dương học Scripps (San Diego, Mỹ) đang nghiên cứu về loài ốc sên biển Clusterwink, có thể phát quang từ bên trong cơ thể để tránh kẻ thù (ảnh).

Phao cứu hộ điều khiển từ xa

Loài ốc này nhỏ bé, thường thấy trong các cụm ốc dính chặt trên bờ đá ở bãi biển. Không giống như loài ốc sên trên cạn tiết ra chất nhầy phát quang, ốc Clusterwink phát quang sinh học dựa trên một phản ứng hóa học bên trong cơ thể chúng. Khi có sinh vật nào chạm vào, chúng sẽ phát ra một ánh sáng nhấp nháy màu xanh lá cây.

Đặc biệt, ngay cả khi co vào, lớp vỏ của chúng vẫn có khả năng khuếch đại ánh sáng khiến nguồn sáng này tăng lên rất nhiều và tỏa ra mọi hướng trên vỏ. Do đó, chúng có thể liên lạc an toàn với nhau cả khi đã rúc vào bên trong lớp vỏ cứng. Cơ chế phát sáng độc đáo này không những tạo ra ảo giác nhằm làm cho kẻ thù phải hoảng sợ bỏ đi mà còn báo động cho những sinh vật săn mồi lớn hơn đến bắt kẻ thù.

Nhóm nghiên cứu đang tìm cách tận dụng cấu trúc khuếch đại ánh sáng đặc biệt này vào việc sản xuất các vật liệu có hiệu suất quang học tốt hơn.

 

Theo Người lao động