Tạp chí National Geographic (Mỹ) đưa tin các nhà khoa học thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố phát hiện hơn 145 loài mới trong năm 2009 tại khu vực sông Mekong, trong đó có 3 loài ở Việt Nam.
Các nhà khoa học tại WWF cho biết việc phát hiện các loài này một lần nữa tái khẳng định khu vực sông Mekong là một trong những “điểm nóng” về đa dạng sinh học trên Trái đất. Điều mà họ lo lắng là trong khi một số loài mới được phát hiện tại đây thì có một số loài đặc hữu khác biến mất, chẳng hạn như sự suy giảm loài hổ hoang dã hay loài tê giác Java.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học được tổ chức tại thành phố Nahoya (Nhật) gần đây, WWF đã kêu gọi chính phủ các nước thành lập một quỹ tài chính chung để bảo vệ khu vực sông Mekong trước sự suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu trong tương lai.
Loài dơi có mũi tách đôi (Murina eleryi) sống tại một khu rừng ở miền Bắc Việt Nam – Ảnh: Neil Furey/WWF
Chim mặt trần Pycnonotus hualon có cái đầu gần như trụi lông. Pycnonotus hualon chỉ được tìm thấy tại châu Á, trong các khu rừng quanh khu vực núi đá vôi gồ ghề thuộc Lào. Không giống như các loài mới được phát hiện khác, loài chim này được bảo vệ trong khu vực môi trường sống của nó bởi luật pháp Lào – Ảnh: Iain Woxvold/WWF
Loài cá da trơn mới chưa được đặt tên thuộc chi cá da trơn Oreoglanis – một trong 26 loài cá mới tại khu vực sông Mekong – được tìm thấy trong các dòng suối chảy nhanh và có nhiều đá thuộc Thái Lan. Loài cá này có hàm răng lớn và nhọn, hình dạng cơ thể dẹp kết hợp với các vây có tác dụng như “giác hút” giúp nó bám chặt vào nền đá những lúc dòng chảy mạnh khi mưa xuống, vì thế người dân Thái Lan còn gọi nó là “cá mút đá” – Ảnh: Nonn Panitvong/WWF
Loài ếch có tiếng kêu như dế Leptolalax applebyi (hay còn gọi là cóc mày Leptolalax applebyi) thường ẩn mình trong những đống lá cây thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Các nhà khoa học còn phát hiện loài này tại các dòng suối đầu nguồn thuộc vùng rừng núi cao của miền Trung Việt Nam – Ảnh: Jodi Rowley/WWF
Loài rắn không có răng nanh Coluberoelaps nguyenvansangi được tìm thấy ở địa phận tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, không chỉ là một loài mới đối với giới khoa học mà nó còn đại diện cho một chi hoàn toàn mới. Các nhà khoa học cho rằng loài rắn này ăn giun đất, rắn, thằn lằn nhỏ, động vật lưỡng cư và cá – Ảnh: Nikolai Orlov/WWF
Chuối dại Musa chunii, được phát hiện tại một khu bảo tồn thiên nhiên thuộc quận Đức Hoành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc – Ảnh: Markku Hakkinen/WWF
Theo Tuổi trẻ