Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra rằng một lượng lớn ion ôxy của bầu khí quyển Trái đất đang bị hút lên Mặt trăng mỗi khi hành tinh xanh nằm giữa “chị Hằng” và Mặt trời.
Nghiên cứu mới nhất trả lời cho việc phát hiện ôxy lẫn trong lớp đất đá trên bề mặt Mặt trăng.
Theo Independent, cứ 5 ngày trong chu kỳ quay quanh Trái đất, Mặt trăng đi vào quỹ đạo “đặt” Trái đất vào vùng không gian giữa nó và Mặt trời. Trong khoảng thời gian này, Mặt trăng trôi ngang qua đuôi từ quyển của Trái đất. Đây là vùng mà từ quyển Trái đất bị gió Mặt trời quét qua.
Kết quả phân tích mới của tổ chức Nhà thám hiểm cấu tạo và nguyệt thể học Nhật Bản (SELENE) đã phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian 5 ngày này, một lượng lớn ion ôxy trên Trái đất đã “rơi” như mưa xuống bề mặt Mặt trăng.
Trên tạp chí The Atlantic, nhà vật lý thiên văn học Kentaro Terada, thuộc trường Đại học tổng hợp Osaka (Nhật Bản) giải thích: “Tầng khí quyển cao của Trái đất chứa các ion ôxy, vốn dễ bị gió Mặt trời cuốn đi và đưa tới Mặt trăng. Có thể một phần ion ôxy này ‘mắc’ lại trên Mặt trăng và một phần khác rơi rụng vào trong không gian vũ trụ giữa các hành tinh”.
Hình ảnh minh hoạ từ quyển của Trái đất đang lôi các ion ôxy xuống Mặt trăng trong lúc Mặt trăng đi qua đuôi từ quyển. (Ảnh: Osaka University/NASA)
Qua phân tích dữ liệu từ các vệ tinh quay quanh Mặt trăng của Nhật Bản, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, các vệ tinh nhân tạo ghi nhận sự xuất hiện một lượng lớn ion ôxy, nhưng chỉ trong khoảng thời gian 5 ngày nhất định của mỗi chu kỳ Mặt trăng quay quanh Trái đất. Hiện tượng này xảy ra trùng hợp với thời điểm Mặt trăng được bao chắn bởi gió Mặt trời.
Từ trường, vốn bao quanh Mặt trăng trong hình dạng giọt nước, khi đó căng rộng vượt xa khỏi Mặt trăng thành một cái đuôi dài, che chắn thiên thể này khỏi bức xạ mặt trời, nhưng cũng đẩy một phần ôxy từ khí quyển Trái đất bật ra.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là lời giải thích hợp lý nhất cho việc ôxy từ Trái đất được phát hiện lẫn trong đất đá trên Mặt trăng.
Theo Dân Trí