Bản đồ mới về Mặt trăng cho thấy “chị Hằng” chứa một lượng lớn quặng quý titan, gấp 10 lần Trái đất. Phát hiện này, theo các nhà thiên văn học, có thể biến Mặt trăng một ngày nào đó sẽ trở thành thuộc địa khai mỏ.
>>>Mặt Trăng được hình thành cách đây 4,36 tỷ năm
>>>Trái đất ra sao nếu mặt trăng biến mất
Mặt trăng có thể trở thành thuộc địa khai mỏ trong tương lai.
Phát hiện trên có được là nhờ vào chiếc camera gắn trên tàu thăm dò quanh quỹ đạo mặt trăng của Mỹ US Lunar Reconnaissance Orbiter, tàu đã quét qua bề mặt Mặt trăng, rà soát “chị Hằng” bằng 7 loại bước sóng ánh sáng khác nhau.
Mark Robinson, thuộc Đại học bang Arizona đã trình bày nghiên cứu trên tại hội thảo ở Nantes, miền tây nước Pháp cùng với Brett Denevi, làm việc tại trường Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ.
Họ phát hiện ra loại quặng quý trên nhờ các mẫu đất đá được các nhà du hành vũ trụ trên tàu Apollo 17 đưa về vào năm 1972 và hình ảnh về khu vực tàu Apollo đáp xuống do kính viễn vọng Hubble chụp. “Nhìn lên Mặt trăng, bề bặt của nó có vẻ như được tráng một lớp sơn màu xám, ít nhất là đối với mắt thường”, nhà nghiên cứu Robinson cho hay.
“Nhưng nếu dùng các thiết bị chuẩn, Mặt trăng có thể trở nên lung linh đa sắc. Các bình địa trên Mặt trăng ở một số vị trí có màu hơi đỏ, trong khi ở một số vị trí khác có màu xanh”.
“Sự khác nhau về màu sắc cho chúng ta thấy nhiều thông tin quan trọng về hóa chất, về sự tiến hóa của bề mặt Mặt trăng. Chúng cho thấy Mặt trăng có trữ lượng lớn titan và sắt, cũng như sự hoàn chỉnh của đất Mặt trăng”.
Titan cứng như thép nhưng nhẹ bằng nửa thép, khiến cho nó trở thành kim loại được ưa chuộng và cũng rất đắt.
Trên Trái đất, titan rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 1% trong các mẫu quặng tương tự. Nhưng bản đồ mới về Mặt trăng cho thấy chất này có rất nhiều, chiếm khoảng 1-10%.
“Titan trên Mặt trăng được tìm thấy hầu hết trong các ilmenite khoáng, hợp chất chứa sắt, titan và oxy”, hai nhà nghiên cứu cho biết. “Trong tương lai, những thợ mỏ sống và làm việc trên Mặt trăng có thể tách được ilmenite để giải phóng những nguyên tố này”.
“Hơn nữa, dữ liệu do Apollo cung cấp cho thấy khoáng chất giàu titan lưu giữ các phân tử trong gió mặt trời, như helium và hydro hiệu quả hơn. Các khí này cũng là nguồn quan trọng cho các cư dân sống trên thuộc địa mặt trăng trong tương lai”.
Theo Dân trí