Các nhà khoa học Brazil vừa thông báo phát hiện một “đại dương nước ngọt ngầm” dưới lòng đất vùng Amazon với trữ lượng lên tới 160 tỷ mét khối và có tổng diện tích lên tới 1,3 triệu km2.
Theo Giáo sư Francisco Assis Matos de Abreu, thuộc trường Đại học Liên bang Pará, khối lượng nước ngọt ngầm nói trên lớn gấp 3,5 lần khối lượng ước tính của Tầng ngậm nước Guaraní.
Cho tới nay Guaraní, có tổng diện tích 1,2 triệu km2 trải rộng dưới lãnh thổ của Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay, vẫn được coi là nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ và hàng đầu của thế giới.
Đồng bằng sông Amazon. (Ảnh chụp từ vệ tinh của NASA)
Nguồn dự trữ nước ngọt ngầm mới được phát hiện chiếm tới 80% tổng lượng nước thiên nhiên của vùng Amazon. Ngoài ra, tổng lượng nước của các nhánh sông Amazon – hệ thống sông có tổng chiều dài lớn nhất thế giới – chỉ chiếm khoảng 8% lượng nước ngọt trong quần xã thiên nhiên của khu vực được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh” này.
Ông Matos de Abreu cũng cho biết “đại dương nước ngọt” nói trên được gọi là Hệ thống thủy địa chất thuộc tầng ngậm nước Amazon lớn (SAGA – theo viết tắt tiếng Bồ Đào Nha) và quá trình hình thành của nó bắt đầu từ khoảng 135 triệu năm trước đây, trong Kỷ Phấn trắng.
Cũng giống như Guaraní, SAGA trải rộng dưới phần lãnh thổ của nhiều quốc gia Nam Mỹ, tuy nhiên tới 67% lượng nước dự trữ của “biển hồ ngầm” này nằm trong lãnh thổ Brazil.
Khoảng 10 năm trước, khi nghiên cứu về Tầng ngậm nước Alter do Chao, thuộc bang Pará, phía Bắc Brazil, các nhà khoa học của Đại học Liên bang Pará phát hiện ra rằng đây chỉ là một phần của một hệ thống thủy địa chất rộng lớn, bao gồm nhiều bể trầm tích dưới lòng đất của vùng Amazon và đã mở rộng công trình của mình cho tới khi phát hiện ra SAGA.