Phát hiện bọ đuôi dài dưới lòng đất nhờ mồi nhử pho mát

Phát hiện bọ đuôi dài dưới lòng đất nhờ mồi nhử pho mát

Các nhà khoa học bẫy được loài vật mới thuộc bộ bọ đuôi dài hai ngạnh trong một hang động ở Turkmenistan.

Các nhà khoa học phát hiện loài vật mới có 6 chân giống côn trùng trong một hang động ở Turkmenistan nhờ mồi nhử pho mát, theo UPI.

Loài vật mới có tên Turkmenocampa mirabilis, trong đó mirabilis nghĩa là “khác thường, kỳ diệu” theo tiếng Latin. Đây là lần đầu tiên một sinh vật thuộc bộ Diplura hay bọ đuôi dài hai ngạnh được phát hiện ở Trung Á.

Phát hiện bọ đuôi dài dưới lòng đất nhờ mồi nhử pho mát
Loài vật mới phát hiện trong hang động ở Turkmenistan. (Ảnh: UPI).

Các nhà khoa học tìm ra loài vật này trong hang Kaptarhana nằm ở phần đồi thấp dưới chân dãy Koytendag, dãy núi kéo dài từ đông nam Turkmenistan đến biên giới Uzbekistan.

Nơi đây là một tập hợp đa dạng gồm sa mạc, hẻm núi, đỉnh núi, các hang động đá vôi và hố sụt. Nhóm nghiên cứu tin rằng khu vực hầu như chưa được khai phá này có thể ẩn giấu nhiều loài động vật mới.

Hang Kaptarhana rất lớn và theo quan sát bằng mắt thường, không có loài vật nào sinh sống tại đây. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã bẫy được Turkmenocampa mirabilis khi dùng pho mát làm mồi nhử.

“Chúng tôi phát hiện một sinh vật mới rất kỳ lạ. Không những thế, đây còn là loài vật đặc biệt sống trong hang động, từng trải qua quá trình tiến hóa rất dài để thích nghi với môi trường dưới lòng đất của vùng Trung Á”, Alberto Sendra, nhà sinh vật học tại Đại học Alcalá, chia sẻ.

Nhiều nhà sinh vật cho rằng hệ động vật trong hang động dưới lòng đất ở Trung Á rất nghèo nàn, Pavel Stoev, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Bulgaria, cho biết.

Những nơi như Kaptarhana có thể thay đổi quan niệm này nhờ mang đến nhiều cái nhìn mới về đa dạng sinh học, lịch sử tiến hóa, sự hình thành và hoạt động của hệ sinh thái dưới lòng đất nơi đây.

 

Theo VnExpress