Thiết bị thăm dò tự hành Curiosity vừa tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một dòng suối sâu trên sao Hỏa, một phát hiện có thể giúp các nhà khoa học chứng minh nước từng chảy trên hành tinh đỏ.
Vô số viên sỏi nhẵn nằm trên một vỉa đá trong hố Gale trên sao Hỏa.
Những hình ảnh mà Curiosity gửi về trái đất cho thấy những viên sỏi nhẵn trong các vỉa đá. Trên trái đất, những viên sỏi như thế thường tồn tại trong các lòng suối, sông, thác. Chúng bị nước cuốn trôi và bào mòn. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định rằng, rất có thể một mạng lưới suối tồn tại trên sao Hỏa và những viên sỏi nhẵn đã nằm ở đó hàng tỷ năm trước, AP đưa tin.
“Curiosity gửi về những hình ảnh của một dòng suối sâu trên sao Hỏa. Chúng tôi cảm thấy rất phấn khích với phát hiện này”, John Grotzinger, một nhà khoa học của Viện Công nghệ California và đang làm việc cho NASA, phát biểu.
Dựa vào những bức ảnh, Grotzinger và các đồng nghiệp cho rằng, nếu một người trưởng thành nhảy xuống lòng suối trên sao Hỏa thì người đó sẽ thấy bờ suối ngang với thắt lưng. Kích thước và độ nhẵn của những viên sỏi có thể giúp các chuyên gia tính toán tốc độ chảy của nước.
Sao Hỏa ngày nay giống như một sa mạc lạnh lẽo và khô cằn. Không dấu hiệu nào cho thấy nước tồn tại trên bề mặt của nó. Tuy nhiên, giới khoa học phỏng đoán rằng nó từng là hành tinh ấm áp và có nước. Các phi thuyền bay quanh sao Hỏa từng chụp được nhiều hình ảnh về những kênh trên bề mặt hành tinh đỏ. Sự tồn tại của những kênh cho thấy rất có thể nước từng tồn tại trên sao Hỏa và tạo nên những kênh đó. Những bức ảnh của Curiosity là bằng chứng đầu tiên được thu thập ngay trên bề mặt sao hỏa.
Theo VNE