Phát hiện gần 400 loài sinh vật mới ở Amazon

Phát hiện gần 400 loài sinh vật mới ở Amazon

Các nhà nghiên cứu ngày 30/8 thông báo đã phát hiện 381 loại sinh vật mới tại rừng Amazon, song cảnh báo những sinh vật này đều sinh trưởng ở những khu vực bị đe dọa bởi hoạt động của con người.

Báo cáo của Quỹ Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã (WWF) và Viện Mamiraua của Brazil công bố cho thấy trong số những sinh vật trên, có 216 loại thực vật, 93 loài cá, 32 loài lưỡng cư, 19 loài bò sát, 1 loài chim và 20 loài động vật có vú, trong đó 2 loài hóa thạch. Những loài sinh vật này được tìm thấy ở khắp các vùng rừng Amazon trải trên khắp 9 nước Nam Mỹ, trung bình 2 ngày phát hiện 1 loài.

Phát hiện gần 400 loài sinh vật mới ở Amazon
Một loại cá mới được phát hiện ở Amazon. (Ảnh: AFP).

Đây là báo cáo thứ 3 của WWF về các sinh vật mới này. Tính đến nay, khoảng 2.000 sinh vật mới đã được phát hiện trong 17 năm qua. Tuy nhiên, cùng với tin vui là nỗi lo khi toàn bộ 381 loài trên đều sinh trưởng tại những khu vực đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các hoạt động kinh tế của con người. WWF nhấn mạnh hoạt động kinh tế của con người đang đẩy nhiều loài sinh vật đến ngưỡng tuyệt chủng thậm chí trước cả khi con người biết đến sự tồn tại của chúng.

Là một quần xã sinh vật phong phú nhất về loài, rừng Amazon là nơi cư trú của khoảng 10% số lượng loài đã được biết đến trên thế giới. Do đó rừng Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Chính vì vậy, sự bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật tại khu vực này là đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, rừng Amazon đang bị tàn phá với tốc độ chóng mặt. Theo thống kê, khoảng 8.000km2 rừng Amazon ở Brazil, nơi chiếm tới 60% diện tích khu rừng này, đã bị tàn phá trong năm 2016, tăng 30% so với năm trước đó.

 

Theo TTXVN/Báo Tin Tức