Nhím mỏ dài |
Một nhóm các nhà khoa học đang thám hiểm một khu rừng rậm ở Indonesia hôm nay (7-2) cho biết họ vừa phát hiện hàng chục loài ếch, bướm và cây trồng mới cũng như một số lượng lớn động vật có vú gần như đã tuyệt chủng ở các nơi khác.
Bruce Beehler, đồng trưởng nhóm khoa học gia nói trên cho biết nhóm cũng phát hiện nhiều loài động vật hoang dã đáng kể ở vùng núi Foja, chiếm diện tích hơn 800.000 ha.
Hai loài nhím mỏ dài, một loài động vật có vú đẻ trứng thời cổ xưa cũng được phát hiện tại đây.
Tuy nhiên, những phát hiện này chỉ mới được công bố và sau đó sẽ được xem xét lại bởi giới khoa học trước khi được chính thức phân loại là các loài mới, một quá trình có thể mất từ 6 cho đến nhiều tháng.
Nhóm thám hiểm này – được thành lập bởi Tổ chức Bảo tồn môi trường thiên nhiên quốc tế – đã đến tỉnh Papua, một trong các tỉnh hẻo lánh nhất của Indonesia cả về phương diện địa lý lẫn chính trị, vào tháng 12-2005.
Chim hút mật |
Nhóm bao gồm 11 nhà khoa học Úc, Mỹ và Indonesia và đã phải cần đến 6 giấy phép mới có thể bay trực thăng hợp pháp qua khu vực đầy những ao hồ lầy lội để vào khu rừng này.
Họ cho biết đã phát hiện 20 loài ếch, gồm cả loài ếch rất nhỏ, với chiều dài chưa tới 1,3 cm, 4 loài bướm và ít nhất 5 loài mới của nhóm cây họ cọ.
Một trong các phát hiện đáng chú ý nhất là loài Kangaroo sống trên cây màu vàng, một loài mới của Indonesia và trước đây được cho là đã bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng, và một loài chim hút mật.
TƯỜNG VY
Theo Tuổi Trẻ/AP, BBC