Các nhà thiên văn Mỹ – Đức vừa tìm được một hành tinh “mồ côi” trong Dải Ngân hà, mang đầy đủ các đặc điểm của hành tinh sơ sinh thường chỉ tồn tại quanh các ngôi sao trẻ.
Được gọi là PSO J318.5-22, hành tinh không mặt trời đang ở cách Trái đất 80 năm ánh sáng và có khối lượng gấp 6 lần sao Mộc.
Nó được hình thành cách nay 12 triệu năm, tức là tuổi “sơ sinh” nếu tính theo tuổi thọ của các hành tinh.
Hành tinh cô đơn PSO J318.5-22 theo tưởng tượng của họa sĩ – (Ảnh: MPIA/V. Ch. Quetz)
Dùng các kính thiên văn tại Hawaii, các chuyên gia của Đại học Hawaii (Mỹ) cho hay họ đã xác định được hành tinh trên nhờ vào tín hiệu nhiệt yếu ớt nhưng hết sức khác thường của nó.
“Chúng tôi chưa từng thấy một vật thể trôi nổi tự do trong không gian giống như hành tinh này. Nó hội đủ các đặc điểm của một hành tinh trẻ thường chỉ được tìm thấy xung quanh các ngôi sao, nhưng PSO J318.5-22 lại một mình trôi dạt ngoài kia”, theo Space.com dẫn lời trưởng nhóm Michael Liu của đại học trên.
Là một trong những thiên thể trôi tự do có khối lượng thấp nhất tính đến giờ phút này, hành tinh trên nhận được sự chú ý đặc biệt do sở hữu mọi đặc điểm cần có của các hành tinh quay quanh những ngôi sao trẻ, từ khối lượng, màu sắc và độ tỏa nhiệt.
Ông Niall Deacon của Viện Max Planck về Thiên văn học (Đức) cho hay, phát hiện mới sẽ giúp giới chuyên gia nghiên cứu dễ dàng một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời, do nó không bị ánh sáng của ngôi sao trung tâm lấn át như trường hợp của các hành tinh khác.
Theo Thanh Niên