Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hôm nay công bố phát hiện của Kính thiên văn Không gian Kepler về hơn 4.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
NASA công bố phát hiện hành tinh ngoài hệ Mặt Trời
Theo Space, NASA hôm nay sẽ công bố những phát hiện mới liên quan đến việc tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời được thực hiện bởi kính viễn vọng không gian Kepler, trong cuộc hội thảo trực tuyến.
Kính thiên văn Không gian Kepler phát hiện hơn 4.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời kể từ khi ra mắt vào tháng 3/2009. (Ảnh: NASA)
“Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, đặc biệt là thế giới có kích cỡ nhỏ như Trái Đất, thuộc lĩnh vực khoa học viễn tưởng chỉ cách đây 21 năm. Hôm nay, giới thiên văn học đang đứng trên đỉnh của việc tìm kiếm một thứ gì đó mà họ mơ ước bấy lâu nay, đó là một Trái Đất khác,” NASA tuyên bố.
Kính thiên văn Không gian Kepler trị giá 600 triệu USD đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2009. Nó có nhiệm vụ nghiên cứu sự đa dạng của hệ thống hành tinh trong Ngân hà, đồng thời tìm kiếm các hành tinh đá giống như Trái Đất đang bay theo quỹ đạo quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách phù hợp, khiến nước lỏng có thể hình thành vùng sinh sống được.
Kính thiên văn khám phá hành tinh nhờ phương pháp “quá cảnh”. Khi hành tinh di chuyển qua phía trước ngôi sao mẹ, nó sẽ ngăn chặn một phần ánh sáng của ngôi sao này. Kính thiên văn sẽ quan sát những thay đổi nhỏ trong độ sáng của ngôi sao để phát hiện ra hành tinh mới. Tổng cộng, Kepler phát hiện 4.661 ứng cử viên hành tinh, trong đó có 1.028 hành tinh được cá nhà khoa học xác nhận.
Trong tháng 5/2013, Kính thiên văn Không gian Kepler kết thúc giai đoạn đầu sứ mệnh, khi vô lăng thứ hai trong số bốn vô lăng phản ứng bị hỏng. Đây là bộ phận tương tự như con quay hồi chuyển, giúp duy trì vị trí của Kepler trong không gian.
Theo VnExpress