Phát hiện hành tinh “siêu Trái đất”

Các nhà thiên văn học đã phát hiện được một hành tinh mới rất giống Trái đất của chúng ta nhưng lớn hơn rất nhiều và có thể được nước bao phủ hơn một nửa. 

Thông tin trên được công bố vào ngày hôm nay, trên tạp chí khoa học “Nature”. Nghiên cứu do Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian thực hiện.

Hành tinh được đặt tên là GJ 1214b, hay còn gọi là “siêu Trái đất”, nằm cách chúng ta khoảng 42 năm ánh sáng, trong hệ mặt trời khác và có bán kính gấp gần 2,7 lần bán kính của Trái đất chúng ta.

Trong lời bình luận trên tạp chí Nature, Geoffrey Marcy, thuộc Trường Đại học California, đánh giá, việc phát hiện hành tinh GJ 1214b tạo ra “một bước tiến lớn” trong công cuộc tìm kiếm những thế giới khác tương tự như Trái đất của chúng ta.

Tuy nhiên Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian cho hay, “thế giới mới được tìm thấy quá nóng đối với con người. Song hành tinh này được cấu tạo từ 2/3 là nước và băng, trong khi đó ¼ là đá. Cũng có dấu hiệu cho thấy hành tinh này có bầu khí quyển thể khí”.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trên hành tinh mới được phát hiện ước tính vào khoảng từ 280-120 độ C, với ngôi sao “chủ” của nó bằng 1/5 Mặt trời trong Hệ Mặt trời của Trái đất chúng ta. Ngoài ra, GJ 1214b quay quanh ngôi sao chủ 38 giờ một vòng.

“Mặc dù nhiệt độ nóng, nhưng đây có vẻ là một thế giới nước”, Zachory Berta, sinh viên tốt nghiệp, người đầu tiên phát hiện những dấu hiệu về sự tồn tại của hành tinh “siêu Trái đất” cho biết.

“Hành tinh nhỏ hơn, đỡ nóng hơn và giống với Trái đất hơn bất kỳ những ngoại hành tinh nào chúng ta từng biết”, Berta nói. “Ngoại hành tinh” là hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta.

Cũng theo Berta, một số phần nước trên hành tinh này có vẻ như ở thể kết tinh, tồn tại ở áp lực lớn hơn trái đất khoảng 20.000 lần.

Nhiệt độ của GJ 1214b vẫn thấp hơn nhiều so với một hành tinh tương tự Trái đất khác, CoRoT-7b, được phát hiện trước đó.

 

Theo Dân Trí (News)