Phát hiện hồ chứa nước lớn nhất trên Trái đất

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Northwestern và ĐH New Mexico (Mỹ) mới đây chỉ ra, họ đã tìm thấy một loại khoáng chất hiếm và có thể chứng minh cho sự tồn tại của một biển nước khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất, phía bên dưới Bắc Mỹ và cách bề mặt Trái đất khoảng 643km.

Đây được coi là hồ nước lớn nhất của Trái đất khi lượng nước chứa trong đó có thể bằng lượng nước mà các lục địa trên Trái đất gộp lại.

Phát hiện này cho thấy, nước từ bề mặt Trái đất có thể được hiện diện ở độ sâu kiến tạo địa tầng và gây tan chảy một phần các loại đá được tìm thấy sâu trong vỏ Trái đất.

Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng, nước bị mắc kẹt trong một lớp đá của vỏ Trái đất và bị nhiều lớp phủ dưới, phủ bên trên ở độ sâu khoảng 400 – 600km so với bề mặt Trái đất.

Đây được coi là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng trực tiếp rằng, nước có thể xuất hiện ở “vùng chuyển tiếp” giữa các lớp manti của vỏ Trái đất và bao phủ một vùng rộng lớn.

Nhà địa vật lý Steve Jacobsen và nhà địa chất học Brandon Schmandt thuộc ĐH New Mexico đã tiến hành nghiên cứu lớp vỏ đá dưới áp lực mô phỏng 643km dưới bề mặt Trái đất và sử dụng lượng lớn dữ liệu địa chấn từ USArray để tìm hiểu rõ hơn bản chất của loại khoáng này.

Phát hiện mới này là bằng chứng cho thấy nước đang “bị nhốt” trong lớp vỏ đá của Trái đất dưới dạng ringwoodite – một loại khoáng chất hiếm có màu xanh dương thường thấy trong các mảnh thiên thể.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, chỉ cần 1% nước nằm trong “vùng chuyển tiếp”, lượng nước đó đã tương đương gần 3 lần lượng nước trong các đại dương trên Trái đất gộp lại.

Tuy nhiên, nước này không ở dạng lỏng, nước đá hay hơi như chúng ta thường thấy mà đã bị nén thành đá, mắc kẹt bên trong phân tử khoáng chất của lớp đá phủ Trái đất. Do vậy, muốn khai thác nguồn nước bị nén thành đá này, ta phải làm tan chảy nó.

 

Theo Trí Thức Trẻ