Lần đầu tiên một kính viễn vọng đã phát hiện được hơi nước bốc lên từ Ceres, hành tinh lùn lớn nhất tại vành đai tiểu hành tinh của hệ mặt trời.
Đài quan sát không gian Herschel lần đầu tiên đã quan sát được trực diện quá trình bốc hơi nước trên bề mặt Ceres, trang Space.com dẫn thông cáo báo chí của Phòng Thí nghiệm động lực học (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Ceres, đường kính khoảng 950km, được xếp vào dạng hành tinh lùn, lớn hơn tiểu hành tinh nhưng nhỏ hơn hành tinh.
Hành tinh lùn Ceres cư trú trong vành đai tiểu hành tinh chính của hệ mặt trời – (Ảnh: NASA/JPL)
Theo sứ mệnh của Cơ quan Không gian châu Âu phối hợp với NASA, Herschel sử dụng tầm nhìn hồng ngoại xa để quan sát được hoạt động của hơi nước trên Ceres.
“Đây là lần đầu tiên hơi nước được phát hiện tại một thiên thể nằm trong vành đai tiểu hành tinh, cung cấp chứng cứ cho thấy Ceres có bề mặt đầy băng kèm theo khí quyển”, theo trưởng nhóm nghiên cứu Michael Kuppers.
Các nhà khoa học cho rằng Ceres có cấu trúc gồm đá bên trong và lớp băng dày bên ngoài, nếu tan chảy có thể cung cấp nhiều nước ngọt hơn bất cứ nguồn nước nào trên Trái đất.
NASA cũng triển khai sứ mệnh riêng, gọi là Dawn, và hiện di chuyển về hướng Ceres sau khi dành hơn một năm xoay quanh tiểu hành tinh Vesta.
Dawn sẽ đến Ceres vào đầu năm 2015.
“Chúng tôi đang triển khai một phi thuyền đến Ceres, và sẽ không cần phải chờ đợi lâu để tìm hiểu thêm về các quá trình đang diễn ra trên hành tinh lùn này”, theo bà Carol Raymond, chuyên gia của JPL.
Dawn sẽ vẽ bản đồ địa hình và hóa chất trên bề mặt Ceres với độ phân giải cao, hứa hẹn sẽ khám phá được những bí ẩn đằng sau hiện tượng trên.
Theo Thanh Niên