Hai loài cá mập “bò” trên đáy biển, một loài cá nhấp nháy kỳ lạ và nhiều loại san hô… chỉ là phần nhỏ trong số 52 loài mới tìm thấy ngoài khơi Indonesia, đã khẳng định vùng tây Thái Bình Dương là vùng biển giàu đa dạng nhất trên trái đất.
“Chúng tôi rất tự tin mà nói rằng đây là trung tâm của đa dạng sinh học biển” trên thế giới, Mark Erdmann, một nhà khoa học Mỹ tại Tổ chức bảo tồn quốc tế, trưởng nhóm khảo sát cho biết.
Khu vực tìm thấy các loài sinh vật mới ở Indonesia, trong khung (Ảnh: BBC) |
Trong chuyến khảo sát năm nay, nhóm đã tìm thấy quanh bán đảo Bird’s Head ở cực tây của New Guinea 24 loài cá mới, trong đó có 2 loài cá mập ngù vai, mảnh mai và có đốm trên lưng, dài khoảng 1,2 mét (màu sắc hai bên sườn chúng giống như cái ngù vai của các sĩ quan).
Số còn lại là 20 loài san hô mới và 8 loài tôm chưa hề được biết đến trước đây.
“Đặc biệt nhất là phát hiện kinh ngạc về cá mập – chúng là những sinh vật bậc cao hơn hẳn, chứ không phải là vi khuẩn hay sâu bọ gì đó”, Erdmann nói.
Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy các loài cá “nhấp nháy”. Con đực, có hậu cung là vài con cái, đột ngột “loé sáng” những màu vàng, xanh lơ, hồng và các màu khác trên cơ thể, như một phần của chiến dịch săn tình.
Erdmann cho biết vùng khảo sát, rộng khoảng 18.000 km2, có mật độ loài tập trung cao hơn hẳn tại Rạn san hô vĩ đại của Australia. Cũng theo ông, Bộ Ngư nghiệp Indonesia muốn tăng số lượng các khu bảo tồn biển, hiện chỉ chiếm khoảng 11% vùng nước bao quanh bán đảo này.
Một loài cá mập ngù vai. (Ảnh: China daily, VNE)
T. An
Theo China Daily, Vnexpress