Phát hiện loài cá nhảy lên đất liền săn mồi

Các nhà khoa học đã khám phá ra một loài cá có thể săn lùng và bắt mồi trên cạn. Loài cá trê lươn Channallabes apus, được tìm thấy trong các đầm lầy bùn ở vùng nhiệt đới tây Phi. 

Cá Channallabes apus. (Ảnh: LiveScience)

Các nhà nghiên cứu Bỉ hy vọng khám phá này sẽ giúp giải thích các loài cá di chuyển từ biển lên đất liền hàng triệu năm trước như thế nào.

Với cái đầu nhỏ và cơ thể dài 30-40 cm , dẻo dai, Channallabes apus có dáng vẻ giống như một con lươn. Thực đơn của nó đã đem lại cho các nhà khoa học bằng chứng đầu tiên về hành vi ấn tượng này – nó chủ yếu ăn những con bọ cánh cứng tìm thấy trên đất liền. 

Chúng bắt mồi bằng cách đẩy cơ thể lên đất liền, rướn cao phần trước cơ thể và chúc đầu xuống dưới để vồ côn trùng.

Cảnh quay loài cá Channallabes apus bắt mồi. (Ảnh: LiveScience)

Thông thường, cá sử dụng lực hút để kiếm ăn dưới nước, nhưng vì không khí kém đậm đặc hơn nước nhiều, nên Channallabes apus cần một chiến lược mới để chén được con mồi.

Cái cách nó định vị đầu đã ngăn con mồi khỏi bị đẩy đi xa“, Sam Van Wassenbergh, tác giả và là nhà sinh học từ Đại học Antwerp, Bỉ, giải thích. “Theo cách này, nó có thể đặt bộ hàm phía trên con mồi, và khi đã ngậm chắc món ăn, nó quay trở lại mặt nước để tiêu hoá con côn trùng“.

Channallabes apus sử dụng phần còn lại của cơ thể để giữ thăng bằng khi ra khỏi mặt nước.

Các nhà nghiên cứu cho biết C. apus mang nhiều đặc điểm tương tự với hoá thạch của những sinh vật chuyển tiếp từ nước lên cạn tìm thấy trong kỷ Devon (khoảng 400 triệu năm trước), trong đó có hoá thạch mới được mô tả gần đây Tiktaalik rosea.

Sinh vật này, tìm thấy ở vùng cực Bắc Canada, có thể là một “liên kết mất tích” giữa những động vật sống ở biển và trên đất liền.

T. An

 

Theo VnExpress