Phát hiện loài khỉ biết bắt cá

Khỉ vàng macaque đuôi dài từ lâu đã nổi tiếng về kỹ năng tìm thức ăn, như hái quả hay vồ chuối của du khách. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một nhóm khỉ lông bạc ở Indonesia còn biết bắt cá.

Đã 4 lần trong 8 năm qua, nhóm khoa học từ The Nature Conservancy and the Great Ape Trust quan sát được nhóm khỉ đuôi dài này vồ những con cá nhỏ bằng tay và ăn thịt chúng dọc theo các con sông ở tỉnh East Kalimantan và North Sumatra.

Loài vật này từng được biết đến với khả năng ăn hoa quả, bắt cua và côn trùng, nhưng chưa từng được ghi nhận bắt cá ở sông.

“Thật là thú vị sau một thời gian dài như vậy ta mới nhìn thấy hành vi mới”, Erik Meijaard, đồng tác giả nghiên cứu nói. “Điều đó cũng chứng tỏ chúng ta biết về loài này mới ít làm sao”.

Một con khỉ macaque đuôi dài đang rình bắt cá ở sông Lesan, tỉnh East Kalimantan, Indonesia. (Ảnh: AP, Mel White)


Meijaard, một cố vấn khoa học cao cấp tại The Nature Conservancy cho biết, không rõ động cơ gì đã thúc đẩy những con vật này bắt cá. Tuy nhiên ông nói rằng điều đó chứng tỏ một khả năng của loài khỉ đuôi dài vốn đã rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu – khả năng thích nghi với sự thay đổi môi trường và thay đổi nguồn thức ăn.

Các tác giả khác của nghiên cứu thì mô tả phát hiện này là một hành vi “hiếm hoi và đơn lẻ”.

Một vài loài linh trưởng khác cũng có hành vi bắt cá, bao gồm khỉ macaque Nhật Bản, khỉ đầu chó chacma, khỉ đầu chó olive, tinh tinh và đười ươi. 

 

Theo T. An (theo ABC, VnExpress)