Phát hiện loài lưỡng cư không chân mới ở Myanmar

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện loài lưỡng cư không chân mới Ichthyophis multicolor ở vùng đồng bằng Ayeyarwady, miền nam Myanmar.

Loài lưỡng cư không chân mới thuộc gia đình lưỡng cư dạng giun bí ẩn nhất thế giới Caecilian. Các loài trong gia đình Caecilian có bề ngoài cơ thể giống giun đất hoặc rắn và sống ở vùng nhiệt đới, đào hang dưới lòng đất hoặc dưới lớp thảm rừng.


Cận cảnh đầu của lưỡng cư dạng giun mới Ichthyophis multicolor – (Ảnh: Zootaxa)

Các nhà khoa học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London, Anh và Viện khoa học California, Mỹ đã phân tích ADN và xác định đây là loài lưỡng cư không chân mới từ 14 mẫu vật được thu thập trong năm 2000 tại vùng đồng bằng Ayeyarwady.

Do tập tính sống bí ẩn dưới lớp đất rừng nên loài Ichthyophis multicolor – cũng giống như nhiều loài khác trong gia đình Caecilian – hiện được phân loại ở tình trạng “thiếu dữ liệu nghiên cứu” trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Mẫu vật Ichthyophis multicolor – (Ảnh: Zootaxa)

Hiện nay có khoảng 200 loài trong gia đình Caecilian được mô tả trên thế giới, trong đó loài lớn nhất có chiều dài 81cm là dương vật rắn Atretochoana eiselti được tái phát hiện ở Brazil năm 2011.

Tiến sĩ Mark Wilkinson và tiến sĩ David Gower làm việc tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London đã mô tả khoảng 25 loài mới Caecilian trong 15 năm qua, và dự đoán sẽ có thêm 100 loài mới nữa đang chờ các nhà khoa học khám phá trong tương lai.

 

Theo Tuổi Trẻ