Phát hiện loài nấm mới có hàm lượng đạm cao

Mới đây, ThS. Cổ Đức Trọng-Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và Nấm Dược liệu đã phát hiện 2 cá thể nấm mới (Agaricus brasiliensis) mọc hoang. Đó là nấm thái dương, cùng chi với nấm mỡ, có hàm lượng đạm cao.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện loại nấm này tại Việt Nam. Các nhà khoa học hy vọng sẽ phát từ hai cá thể nấm ban đầu họ sẽ phát triển một loại nấm với nguồn gen bản địa để phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất.

Mũ của nấm thái dương có màu nâu hồng. Trên mũ có nhiều vảy rất nhỏ màu sậm hơn. Vuốt lớp vảy đi làm lộ lớp thịt màu trắng tương tự cuống nấm. Khi còn là búp, bề ngang tối đa của mũ nấm là 4cm, cuống nấm cao từ 7-8cm. Khi phình to thành tai nở, bề ngang của mũ nấm là 10cm. Lúc đó, nấm đã già, bị xơ hoá, có bào tử. Mặt dưới của mũ nấm có màu nâu đen. Còn mặt trên vẫn là màu nâu hồng, trơn láng, các vảy nhỏ gần như mất đi hết.

So với các loại nấm mỡ khác, nấm thái dương là một loại thực phẩm cao cấp vì có hàm lượng đạm cao hơn, từ 34 – 35%. Tức là 1kg nấm khô chứa 340g đạm. Ngoài ra còn có nhiều khoáng chất và vitamin khác, như vitamin B1, vitamin B2, vitamin D… Nấm có mùi thơm và vị ngọt. Ngoài ra, nấm này có tác dụng dược tính. Tác dụng chống khối u của loại nấm này rất mạnh. Khả năng này lên đến 96%.

Lần đầu tiên, hai cá thể nấm thái dương (Agaricus brasiliensis) mọc hoang được phát hiện tại Đống Tháp – Việt Nam. (Ảnh: H.Cát)

Theo ThS. Cổ Đức Trọng, điều kiện sinh thái của loài nấm này chưa được rõ ràng. Thực tế, khí hậu Việt Nam là khí hậu nóng ẩm, trong khi các chi Agaricus chủ yếu mọc ở các vùng ôn đới, tức là vùng lạnh.

Do đó, các vùng núi cao và khí hậu miền Bắc Việt Nam thích hợp hơn. Đặc biệt loài nấm thái dương có thể phát triển ở nhiệt độ nóng, từ 25 – 26oC. Vì vậy, triển vọng phát triển loài nấm quý này hoàn toàn có thể ở điều kiện nóng quanh năm như TP.HCM.

ThS. Trọng nói thêm, sở dĩ ông phát hiện được loài nấm này mọc hoang ở huyện Thạnh Hóa, Đồng Tháp là do ông đã trồng thử nghiệm được loại nấm này từ hơn một năm nay với giống nhập từ Nhật Bản. Kết quả trồng thử nghiệm đã thu được 5kg nấm khô, tương đương với 50kg nấm tươi.

ThS. Cổ Đức Trọng, Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và Nấm Dược liệu, với những cây nấm thái dương trồng thử nghiệm. (Ảnh: H.Cát)

Tương tự nhiều loại nấm khác, nấm thái dương cũng có chứa một số chất gây dị ứng, nên tốt nhất là nấu chín khi ăn. Về mặt cảm quan, nấm được xem là tốt khi tai nấm không bị dập, trầy xước, đúng màu chuẩn của từng loại nấm, không dính đất cát bụi bậm.

Nấm thái dương trên thị trường Brazil hiện nay có giá nhập khẩu từ 100 – 200USD/1kg nấm khô. Còn giá bán lẻ trên thị trường Nhật Bản là 400 – 500USD/1kg nấm khô. Nước hiện nay đang trồng loại nấm này nhiều nhất là Braxin và Trung Quốc.

Vào năm 1960, một Nhật kiều ở Braxin, ông Takatoshi Furumoto, đã phát hiện ra loài nấm Thái dương. Sau đó, ông gởi nấm này về Nhật nghiên cứu và một nhà nấm học người Bỉ là Heinemann định danh là Agaricus blazei Murrill, cùng loài Agaricus blazei do nhà khoa học W. Blazei phát hiện năm 1944 tại bang Florida của Mỹ và do Murrill xác định tên. Tuy nhiên, đến năm 2002 Wasser và cộng sự bằng những khảo cứu kỹ lưỡng về hình thái và sinh học phân tử, xác định loài ở Brasil và loài ở Florida là 2 loài khác nhau. Loài nấm mọc tại Brasil được chỉnh lại tên là Agaricus brasiliensis. Cho đến nay, người ta chưa ghi nhận được loài nấm này mọc hoang ở nơi khác kể cả các nước châu Á.

Hương Cát

 

Theo Vietnamnet