Phát hiện loài tắc kè sống trong miệng rắn

Các nhà khoa học Mỹ tìm thấy một loài tắc kè hoa sống trong miệng rắn tại châu Phi.

Telegraph cho biết, tiến sĩ Andrew Marshall, giáo sư khảo sát số lượng loài thuộc khoa Môi trường của Đại học York (Mỹ), tới rừng Magombera tại Tanzania để khảo sát ở đây. Trong quá trình nghiên cứu ông nhìn thấy một con rắn twig – loài rắn có đuôi dài, đầu dẹt và mũi nhọn. Nghe thấy tiếng động con rắn chạy trốn. Trong lúc chạy nó há mồm và một con tắc kè hoa nhỏ xíu nhảy ra trước sự sửng sốt của Marshall.

“Tôi vẫn kịp chụp mấy bức ảnh dù con rắn chạy rất nhanh. Khi tôi cho một chuyên gia bò sát tại Tanzania, ông ấy khẳng định đó là một loài tắc kè hoa chưa từng được biết tới”, vị tiến sĩ kể.

Ngay sau đó một đồng nghiệp của Marshall nhìn thấy một con tắc kè hoa thứ hai trong miệng rắn ở một địa điểm cách vị trí của ông khoảng 10 km.

Loài tắc kè hoa nhỏ xíu sống trong miệng rắn mới được phát hiện. Ảnh: Telegraph.

“Tôi đã làm việc ở Tanzania khoảng 11 năm và từng phát hiện nhiều loài thực vật mới. Nhưng cảm giác khi tìm thấy một loài động vật có xương sống rất đặc biệt. Rõ ràng con tắc kè ngụy trang rất khéo nên các loài động vật khác rất khó phát hiện chúng”, Marshall tâm sự.

Loài tắc kè hoa mới – có kích thước cơ thể đủ nhỏ để nằm gọn trong lòng bàn tay – được đặt tên là Kinyongia magomberae. Các nhà khoa học đã thông báo phát hiện của họ trên tạp chí Herpetology.

Tắc kè hoa là nhóm bò sát ngụy trang rất giỏi nhờ khả năng biến màu. Sự thay đổi màu da của chúng diễn ra rất nhanh (chỉ trong vài giây). Khi môi trường sinh tồn của chúng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm có sự thay đổi hay do sợ hãi, tế bào sắc tố trong da của chúng sẽ dịch chuyển, dẫn đến sự thay đổi về màu sắc. Theo Telegraph, trung bình mỗi năm có hai loài tắc kè hoa mới được phát hiện.

 

Theo VnExpress