Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo của các nhà khoa học mang tên “Các loài kì lạ”. Theo báo cáo này, có 163 loài mới được phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Trong đó có 9 loài lưỡng cư, 11 loài cá, 14 loài bò sát, 126 loài thực vật và 3 loài động vật có vú. Trong số này, có tới 87 loài được phát hiện ở Việt Nam.
Một số loài kì lạ đã được phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong như loài ếch thân dài chưa tới 3cm, loài rắn đầu bảy sắc cầu vồng, loài thằn lằn có hình dáng giống hệt rồng…
Loài thằn lằn giống rồng được phát hiện ở Phuket, Thái Lan – (Ảnh: WWF).
Theo các chuyên gia, khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang chịu áp lực phát triển bởi khai khoáng, mở rộng đường xá, phát triển đập thủy điện. Đây là các yếu tố chính đe dọa tới sự tồn tại của các cảnh quan – điều tạo nên sự đặc biệt của khu vực. Nạn săn bắt phục vụ nhu cầu của thị trường thịt thú rừng hoặc các đường dây buôn bán trái phép loài hoang dã trị giá hàng tỷ đô la đang tạo thêm áp lực cho các loài động thực vật hoang dã trong khu vực. Nhiều loài có thể biến mất vĩnh viễn trước khi chúng được phát hiện.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia phong phú về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt trái phép cũng như việc thay đổi sinh cảnh theo hướng tiêu cực.
Cùng Việt Nam hành động bảo vệ đa dạng sinh học, mới đây, WWF Việt Nam đã phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn khởi động Kế hoạch hành động bảo tồn voi khẩn cấp tại Tây Nguyên, nơi có quần thể voi rừng lớn nhất cả nước. Sắp tới, WWF Việt Nam sẽ hỗ trợ Thừa Thiên – Huế thực hiện cam kết thành phố không tiêu thụ động vật hoang dã.
Theo ANTĐ